Những hành động được coi là nhằm thực hiện âm mưu đảo chính và ngăn cản các hoạt động của chính quyền mới vừa nhậm chức.
Trên Twitter, Tổng thống Colombia Gustavo Petro lên án việc “Chủ nghĩa phát xít có ý định đảo chính. Cánh hữu cực đoan tại Brazil không thể giữ được hiệp ước không sử dụng bạo lực"
Nhà lãnh đạo Colombia kêu gọi áp dụng Hiến chương Dân chủ của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS).
Tổng thống Chile Gabriel Boric cho rằng các hành động tấn công vào ba cơ quan quyền lực nhà nước tại Brazil là “không thể chấp nhận được,” vi phạm những nguyên tắc dân chủ.
"Đây là những hành động thiếu tôn trọng và phá hoại các thể chế dân chủ nhà nước, chống lại trật tự dân chủ và sự an toàn của người dân", Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso nói.
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez bày tỏ sự ủng hộ vô điều kiện đối với Tổng thống Lula da Silva trước “âm mưu đảo chính,” và hy vọng tình đoàn kết ở khu vực Mỹ Latinh cần phải được phát huy vào thời điểm quan trọng này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng lên án hành động tấn công các thể chế dân chủ tại Brazil, đồng thời nhấn mạnh ông Lula da Silva đã được bầu một cách dân chủ thông qua một cuộc bỏ phiếu công bằng và tự do.
Ngày 8/1, hàng trăm đối tượng ủng hộ cựu Tổng thống Bolsonaro xông vào trụ sở Quốc hội, Tòa án Tối cao và Dinh Tổng thống Planalto để phản đối việc ông Lula da Silva nhậm chức Tổng thống Brazil hồi tuần trước, gây ra những cảnh tượng hỗn loạn tại nhiều nơi.
Lực lượng an ninh và cảnh sát chống bạo động được huy động tới hiện trường và buộc phải sử dụng lựu đạn hơi cay để giải tán các nhóm biểu tình bạo lực.