Những thành phố khan hiếm nước nhất thế giới

(VOH) - Thành phố Aswan, miền Nam Ai Cập là một trong những thành phố nóng nhất thế giới. Nhiệt độ đạt 41 độ C trong mùa hè, lượng mưa dưới 1mm/năm và có thể không có mưa trong suốt một năm.

Ảnh Tackk.com

Thành phố Aswan, miền Nam Ai Cập

Tuy nhiên, Aswan được nuôi dưỡng bởi dòng sông Nile, có đập nước cao và hồ nứơc nhân tạo lớn nhất thế giới Nasser với công suất 132km khối, phục vụ nước không chỉ cho Aswan mà cả nước láng giềng Ai Cập và Sudan. Aswan có thể là một trong những nơi ít mưa nhất trên thế giới, nhưng vẫn chưa là nơi thiếu nước nghiêm trọng nhất.

Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nước. Về vật lý, thiếu nước do mưa ít, đất khô cằn tự nhiên hay những biến đổi của khí hậu, nhưng hơn hết là do công tác quản lý nguồn nước.

Thiếu nước đang ảnh hưởng đến khoảng 2,7 tỷ người trên khắp thế giới, đặc biệt tại các thành phố đông dân. Hiện nay, gần 4 tỷ người sống tại khu vực thành phố, con số này ước tính tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2050.

Khi dân số thành thị tăng đồng nghĩa việc tiếp cận nguồn nước bị hạn chế. Hiện nay, 860 triệu người sống trong các khu ổ chuột trên thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước, phát sinh những hệ quả tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nguồn cung cấp nước cạn kiệt, nhiều thành phố đang tham gia vào một cuộc chạy đua khai thác nước ngầm.

Năm ngoái, chính quyền California cắt giảm 35% lượng nước sinh hoạt vì hạn hán. Ảnh Reuters.

Bang California (Mỹ)

Tại California, 2014 và 2015 là hai năm nóng nhất trong lịch sử. Vào tháng 4 năm ngoái, khảo sát từ Cục thủy lợi cho biết không còn tuyết ở vùng núi Sierra Nevada. Băng tuyết là nguồn cấp nước vào mùa hè khi băng tan và tích tụ tại các hồ chứa. Trong trường hợp không có tuyết hay mưa thì nước ngầm là nguồn cung nước duy nhất.

Đỉnh điểm của đợt hạn hán ở bang California, Mỹ, tại các trang trại trong thành phố, người ta đã tiến hành khoan dò nước ngầm, sâu đến nỗi họ đã chạm đến mạch nước ngầm tạo ra từ những cơn mưa các đây hơn 20.000 năm.

Đập cạn nước tại São Paulo, Brazil. Ảnh EPA.

Thành phố São Paulo (Brazil)

Trong khi đó tại Brazil, công suất hồ chứa cung cấp nước chủ lực cho São Paulo giảm 6%. Brazil,  tháng 1 năm 2015 trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 80 năm qua, theo báo cáo, nước này chỉ nhận được lượng mưa bằng 1/3 lượng mưa thông thường trong một mùa mưa từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Người dân tại đây phải tiết kiệm tối đa nước trong sinh hoạt hằng ngày, thậm chí, một số bị buộc phải chuyển đến sống tại các khu vực khác có nước.

Thành phố Lima (Peru)

Có rất nhiều thành phố, như Aswan với lượng mưa không đáng kể. Lima là một trong số đó. Lima nằm bên bờ biển Peru, là một trong những sa mạc khô cằn bậc nhất thế giới. Với dân số khoảng 8,5 triệu người, người dân tại đây sống chủ yếu dựa vào nguồn nước từ sông Rimac, Chillon và Lurín. Nhưng do khí hậu đặc trưng khô cằn, Lima chỉ nhận được lượng mưa trung bình 1cm mỗi năm.

Nets, một tổ chức được thành lập bởi một nhóm các nhà lãnh đạo cộng đồng Peru, chủ trương xây dựng mạng lưới hứng sương mù trên các sườn đồi. Phương pháp này hiệu quả. Nets đã xây dựng được mạng lưới rộng lớn quanh thành phố trong hơn nửa năm, thu được từ 200 đến 400 lít nước mỗi ngày – tùy thuộc vào lượng sương. Tuy nhiên, điều này không giải quyết được tình trạng khủng hoảng nước tại Lima, chính vì thế chính quyền địa phương đang lên kế hoạch xây dựng thêm các kênh đào để làm phong phú hơn hệ thống trữ nước.

Những tấm lưới hứng sương trên sườn đồi tại Peru. Ảnh Reuters.

Các thành phố lớn ở Kuwait, Bahrain, United Arab Emirates, Ai Cập và Qatar

Mưa không nhiều tại Trung Đông đồng nghĩa với việc nước ngọt cũng khan hiếm. Các thành phố lớn ở Kuwait, Bahrain, United Arab Emirates, Ai Cập và Qatar có thể coi là một trong những nơi khô hạn nhất thế giới. Tuy nhiên, các thành phố này cũng biết cách tự tạo nguồn nước ngọt bằng cách xây dựng các nhà máy khử nước muối biển, 70% số nhà máy khử nước muối trên thế giời nằm tại Trung Đông.

Các thành phố đang tiếp cận với nguồn nước tái tạo. Ảnh Gettyimages. 

Singapore 

Tương tự, tại Singapore, lượng mưa trung bình tại đây khoảng 178 ngày mỗi năm, lượng nước ngọt bình quân đầu người chỉ 110 mét khối. Tuy vậy, Singapore đã tìm ra cách để đảm bảo nguồn nước không bị thiếu.

Được bao quanh bởi biển, Singapore không có nguồn nước tích trữ trong nội địa. Nước sử dụng tại nước này chủ yếu từ 4 nguồn: mưa; nước nhập khẩu từ Malaysia, nước tái chế từ nước thải và nước từ khử muối nước khiển. Những biện pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn, nhưng đổi lại  100% người dân Singapore được tiếp cận với nước sạch.

 Ammanda - thủ đô Vương quốc Jordan

Trong khi đó, Ammanda - thủ đô Vương quốc Jordan đang vật lộn để đối phó với những thay đổi không thể kiểm soát khi mà nước này đang tiếp nhận khoảng 1.270.000 người tị nạn từ Syria. Bản thân Jordan đang là một quốc gia khô cằn bậc nhất thế giới với lượng nước ngọt bình quân đầu người chỉ là 92 mét khối trong năm 2014. Vì thế, để giải quyết vấn đề nước ngọt tại đây dựa hoàn toàn vào khoảng phí 900 triệu đô la trong một thỏa thuận của nước này với Israel nhằm chia sẻ nguồn nước.

Thành phố Sana'a (Yemen)

Lượng mưa thấp, đặc trưng địa hình khô cằn tự nhiên, quản lý kém, gia tăng dân số và khai thác nước ngầm chính là các yếu tố gây thiếu hụt nước nghiêm trọng tại các thành phố trên thế giới. Và tất cả các yếu tố trên đều ”hội tụ” tại Sana'a, thủ đô của Yemen.

Các thành phố khan hiếm nước trên thế giới có những cách riêng để đối phó với tình trạng thiếu nước chung. Tuy nhiên tại Sana'a, không có biện pháp hiệu quả nào được đưa ra.

Sana'a thiếu nước từ trước khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011 và tình trạng này ngày càng nghiêm trọng khi nội chiến kéo dài và vẫn đang tàn phá cả đất nước Yemen vốn nghèo nàn này.

Mặc dù có hơn 1.600 km bờ biển, nhưng Yemen không đủ kinh phí xây dựng các nhà máy khử nước muối như các nước khác. Bên cạnh đó, khi xung đột diễn ra, các cơ sở hạ tầng cấp nước thường trở thành mục tiêu tấn công của phe phái vũ trang.

Yemen, đất nước khô cằn nhất thế giới. Ảnh EPA.

Nguồn nước tại Yemen chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm dùng chung do Ả Rập Saudi chi phối.

Theo Bộ Thủy lợi Yemen, hiện nước này có khoảng 100.000 giếng nước sạch được khai thác, nhưng 40% lượng nước này được sử dụng phục vụ hoạt động nông nghiệp, gây lãng phí nước sinh hoạt. 

Như vậy, hiện tại, Sana'a trở thành thủ đô khan hiếm nước bậc nhất trên thế giời. Nhiều chuyên gia cảnh báo việc nguồn nước tại Yemen hoàn toàn cạn kiệt chỉ còn là vấn đề thời gian.