Thông báo của WHO không cho biết liệu quần đảo Marshall và Micronesia có ghi nhận trường hợp trẻ em nhiễm độc liên quan sản phẩm thuốc trên. Tuy nhiên, thông báo nêu rõ các mẫu sản phẩm thuốc "Guaifenesin syrup TG syrup" chứa hàm lượng diethylene và ethylene glycol ở mức độc hại, có thể dẫn đến tử vong.
Cục Quản lý dược phẩm (TGA) của Australia đã xác định hàm lượng chất độc hại trong sản phẩm thuốc ho trên.
Nhà sản xuất của các lô thuốc mới được phát hiện tại Tây Thái Bình Dương là của QP Pharmachem Ltd của Ấn Độ, có trụ sở tại Punjab và bên trung gian tiếp thị sản phẩm là Trillium Pharma, có trụ sở tại Haryana, Ấn Độ. WHO cho biết các sản phẩm của QP Pharmachem và Trillium đều chưa được tổ chức này phê chuẩn về độ an toàn và chất lượng.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của QP Pharmachem Sudhir Pathak khẳng định đã xét nghiệm mẫu thuốc ho trong lô hàng xuất khẩu và không phát hiện điều gì đáng lo ngại. Ông Pathak cho biết cũng không ghi nhận phản hồi tiêu cực liên quan các sản phẩm thuốc ho mà công ty này đã phân phối tại Ấn Độ.
Theo ông Pathak, QP Pharmachem đã được Chính phủ Ấn Độ cấp phép xuất 18.000 chai siro ho sang Campuchia, song không rõ vì sao các sản phẩm này lại có mặt tại quần đảo Marshall và Micronesia. Trong khi đó, Trillium Pharma chưa đưa ra phản hồi nào.
Năm 2022, WHO đã đưa ra cảnh báo về các sản phẩm thuốc ho dạng siro do các nhà sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia sản xuất, được xác định có liên quan tới 300 ca tử vong ở trẻ em, hầu hết dưới 5 tuổi, tại các nước Gambia, Indonesia và Uzbekistan. Các trường hợp này đều tử vong do tổn thương thận cấp tính.
WHO kêu gọi các nước cần thắt chặt công tác giám sát để đảm bảo phát hiện các sản phẩm có rủi ro nhiễm độc. Cơ quan này cho biết đang tăng cường phối hợp với các nước để xét nghiệm độc tố trong các sản phẩm thuốc.
Đọc thêm: Indonesia: Xét xử vụ kiện liên quan đến siro ho có độc tố khiến 200 trẻ em tử vong
Ngày 24/4, Bộ Y tế phát cảnh báo 'không sử dụng 14 loại siro ho sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia' sau khi nhận được công điện từ Interpol (Cảnh sát hình sự Quốc tế) về việc hàng trăm trẻ tử vong hoặc tổn thương thận cấp tính do sử dụng 14 loại siro ho bị cấm ở một số quốc gia.
Siro được sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia, chứa diethylene có thể gây tổn thương sức khỏe.
14 sản phẩm này chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam và cũng chưa được cấp giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng các loại thuốc này nói riêng và các thuốc không được cấp phép lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nói chung.
Danh sách các loại siro ho này là: Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Syrup, Magrip N Cold Syrup, do công ty Maiden Pharmaceuticals Limited (Ấn Độ) sản xuất.
Termorex Syrup, Flurin DMP Syrup, Unibebi Cough Syrup, Unibebi Demam Paracetamol Drops, Unibebi Demam Paracetamol Syrup, Paracetamol Drops, Paracetamol Syrup (mint), Vipcol Syrup. Thuốc do 4 nhà sản xuất gồm PT Konimex, PT Yarindo Farmatama, PT Universal Pharmaceutical Industries, PT AFI Farma.
Hai loại siro khác là Ambronol Syrup và DOK-1 Max Syrup, đều do Công ty Marion Biotech sản xuất.