Đăng nhập

Quốc gia duy nhất trong G7 chưa hạ nhiệt lạm phát

VOH - Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Vương quốc Anh là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 ghi nhận lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, lạm phát hàng năm trong Nhóm các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) đã giảm xuống 4,6% trong tháng 5 - thấp hơn mức 5,4% của tháng 4 và đạt mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

Xu hướng hạ nhiệt lạm phát được ghi nhận tại hầu hết các nền kinh tế tiên tiến trong tháng 5, bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản. Đây là lý do mà hầu hết các ngân hàng trung ương lớn đang xem xét khả năng chấm dứt các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm kiềm chế lạm phát trước đó.  

Tuy nhiên, trong số các nước G7 thì Vương quốc Anh - quốc gia chiếm 3% GDP toàn cầu - là quốc gia duy nhất có tỷ lệ lạm phát vẫn gia tăng. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Vương quốc Anh trên tất cả các mặt hàng đều đã tăng lên mức 7,9% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với tỷ lệ 7,8% trong tháng 4, theo OECD. 

Chỉ số giá tiêu dùng tại Anh ngoài giá cả hàng hóa còn bao gồm chi phí sở hữu và sinh sống trong một ngôi nhà, do đó đây là thước đo lạm phát toàn diện nhất.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Anh gần như đình trệ và nợ công, lần đầu tiên kể từ tháng 3/1961, vượt mức 100% GDP.

Quốc gia duy nhất trong G7 chưa hạ nhiệt lạm phátXem toàn màn hình
Một quầy hàng trái cây trên đường phố Anh - Ảnh: pbs.org

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm - mức tăng lớn hơn so với dự đoán của nhiều người và đi ngược với xu hướng giảm hoặc ngừng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn khác.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Shaan Raithatha của tập đoàn Vanguard (Mỹ), nước Anh đang chịu hai thách thức đồng thời như Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt, đó là cú sốc từ thị trường lao động giống như Mỹ do xuất hiện nhiều ca bệnh dài hạn ảnh hưởng đến nguồn cung lao động; và tác động từ khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Trong khi đó, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Panmure Gordon (Anh), ông Simon French, cho rằng các vấn đề của Anh không chỉ bắt nguồn từ chiến sự ở Ukraine mà còn nguyên nhân sâu xa từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). 

Lạm phát tại Anh dự kiến vẫn sẽ giảm mạnh từ nay đến cuối năm, do mức trần giá năng lượng giảm 20% từ ngày 1/7 và do các đợt tăng lãi suất hiện tại ảnh hưởng đến nền kinh tế, làm giảm nhu cầu và việc làm.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak thừa nhận việc thực hiện mục tiêu giảm lạm phát xuống mức 2% của BOE là không đơn giản, vì số người vay thế chấp với lãi suất cố định - tức không bị ảnh hưởng bởi lãi suất vay tăng - vẫn ở mức cao. Năm 2022, tỷ lệ khoản vay thế chấp mua nhà với lãi suất cố định lên tới 95%.

Bình luận