Sau EU, đến lượt Nhật Bản tuyên bố áp giá trần dầu thô của Nga

(VOH) - Chính phủ Nhật Bản ra thông cáo cho biết, từ ngày 5/12, nước này bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô của Nga, song sẽ loại trừ dầu thô nhập từ nhà máy Sakhalin-2.

Quyết định trên được đưa ra sau thỏa thuận của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia hôm 2/12 áp giá trần đối với dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng.

Chính phủ Nhật Bản nêu rõ, việc loại trừ áp giá trần đối với dầu thô nhập từ dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga là quyết định phù hợp với an ninh năng lượng của Nhật Bản.

dầu mỏ nga
Nhà máy lọc dầu ở Volgograd, Nga (Ảnh: Reuters)

Từ ngày 5/12, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh trong G7 và Australia cũng bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới - ở mức 60 USD/thùng. Lệnh cấm mua dầu thô của Nga do EU áp đặt chính thức có hiệu lực.

Xem thêm: Tổng thống Nga cảnh báo EU “nhận hậu quả” nếu áp giá trần đối với dầu thô

Theo quy định về giá trần với dầu thô của Nga, các bên tham gia "Liên minh giá trần" sẽ không cung cấp bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ khác cho dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển nếu giá mua trên 60 USD/thùng.

Dầu Nga cũng chỉ được phép vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU, cũng như các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức đó.

Các thành viên của "Liên minh giá trần" cho biết sẽ "giám sát chặt chẽ hiệu quả" của mức giá, cũng như sẵn sàng xem xét và điều chỉnh mức giá khi thích hợp.

Mức giá trần sẽ được xem xét hai tháng một lần, bắt đầu từ giữa tháng 1/2023, để đảm bảo nó thấp hơn ít nhất 5% so với giá dầu thô trung bình của Nga do Cơ quan Năng lượng quốc tế xác định. Mỗi sự thay đổi về giá trần đều sẽ cần tất cả 27 thành viên EU và sau đó là G7 nhất trí.

Trước đó, ngày 4/12, Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận mức giá trần nói trên và sẽ không bán dầu với mức giá hạn chế như vậy, ngay cả khi phải cắt giảm sản lượng.

Bán dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Moscow kể từ khi các nhà địa chất thời Liên Xô tìm thấy dầu và khí đốt ở vùng Siberia trong những thập niên sau Thế chiến 2.