Số ca Covid-19 ở châu Âu liên tục tăng, người dân vẫn biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch

(VOH) - Dù số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nhưng nhiều cuộc biểu tình vẫn nổ ra ở một số nước châu Âu cuối tuần qua như Bỉ, Ý, Hà Lan, để phản đối các biện pháp chống dịch.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 7h30 ngày 22/11 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 257.807.840 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.167.579 ca tử vong. Số ca hồi phục là 232.707.008.

Tại châu Âu, số ca nhiễm liên tục tăng. Trong vòng 24 giờ qua, châu lục này đã có thêm 261.983 ca nhiễm mới và 2.488 ca tử vong do Covid-19.

Chính phủ Pháp cho biết, tính đến 20/11, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày tại Pháp là 17.153, tăng từ 9.458 ca một tuần trước đó, tương đương mức tăng 81%. Mức tăng ca nhiễm trong 7 ngày gần đây nhất cao gấp ba lần mức trung bình được ghi nhận trong ba tuần trước đó, cho thấy số ca nhiễm đang gia tăng theo cấp số nhân.

Tại Anh, chính quyền mở rộng tiêm liều tăng cường cho nhóm từ 40-49 tuổi từ đầu tuần này sau khi đã cho phép tiêm ở nhóm trên 50 tuổi. Các nhà khoa học tin rằng các liều tăng cường và sự miễn dịch trong cộng đồng do sự lây lan của biến thể Delta trong mùa hè sẽ giúp Anh thoát được làn sóng dịch đang dâng ở châu Âu. Số ca bệnh mới ghi nhận ngày 21/11 ở Anh lại vượt mức 40.000 ca.

Tại Ý, chính quyền cho biết có hơn 9.700 ca bệnh mới vào ngày 21/11, trong khi Ba Lan cũng có hơn 18.800 ca bệnh.

WHO đánh giá sự gia tăng ca bệnh mới ở châu Âu rất đáng ngại và cảnh báo khu vực này có thể có thêm 500.000 người tử vong vì Covid-19 vào tháng 3/2022 nếu không có các hành động khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh.

Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO tại châu Âu, đã kêu gọi các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước làn sóng dịch bệnh mới đang tràn lan khắp khu vực. Ông cho biết mùa đông tới cùng với độ bao phủ vắc xin thấp chính là những nhân tố khiến cho số ca nhiễm tăng đột biến.

Dù tình hình dịch bệnh đang dần trở nên nghiêm trọng, nhưng nhiều cuộc biểu tình vẫn nổ ra ở một số nước châu Âu cuối tuần qua như Bỉ, Ý, Hà Lan... để phản đối các biện pháp chống dịch.

biểu tình, covid-19
Những người biểu tình cầm đuốc ở Vienna, Áo hôm thứ Bảy. (Ảnh: AP)

Tại Hà Lan, bạo loạn đã nổ ra đêm thứ ba liên tiếp vào hôm 21/11, khi cảnh sát đụng độ với đám đông biểu tình quá khích, liên tục đốt lửa và ném đá để phản đối các hạn chế chống Covid-19.

Thành phố Leeuwarden và Groningen ở phía bắc, Enschede ở phía đông và Tilburg ở phía nam cũng báo cáo xảy ra tình trạng bất ổn. Chính quyền Enschede ban hành sắc lệnh khẩn cấp và cảnh sát phải sử dụng đến dùi cui để cố gắng giải tán đám đông.

Trong khi đó ở Leeuwarden, xe cảnh sát bị ném đá và các nhóm biểu tình quá khích liên tục hò hét, đốt pháo sáng. Đây được xem là loạt cuộc biểu tình tồi tệ nhất kể từ sau vụ biểu tình chống phong tỏa hồi tháng một ở Hà Lan. Cảnh sát nước này cho biết ít nhất 5 sĩ quan bị thương đêm 20/11 và ít nhất 64 người đã bị bắt.

biểu tình, covid-19
Lực lượng chống bạo loạn dọn đường phố ở The Hague (Hà Lan) khi bạo loạn nổ ra (Ảnh: Getty Images)

Theo CNN, tại Vienna, Áo, khoảng 40.000 người cuối tuần qua cũng xuống đường biểu tình phản đối các hạn chế chống Covid-19 mới và kế hoạch bắt buộc tiêm vaccine của chính phủ vào tháng hai năm sau.

Tại Bỉ, khoảng 10.000 người tuần hành qua trung tâm thủ đô Brussels, hôm 21/11 nhằm phản đối chính phủ nước này tăng cường các biện pháp hạn chế chống Covid-19, cấm người chưa tiêm ngừa Covid-19 vào nhà hàng và nhiều cơ sở khác.

Cuộc tuần hành ban đầu diễn ra trong ôn hòa, song nhanh chóng biến thành bạo lực khi hàng trăm người quá khích ném đồ đạc về phía cảnh sát, đập phá xe cộ và đốt thùng rác trên đường phố. Cảnh sát Bỉ sau đó buộc phải giải tán đám đông bằng vòi rồng và hơi cay.

Ở Zagreb, Croatia, khoảng 15.000 người biểu tình phản đối kế hoạch bắt buộc tiêm chủng cho nhân viên trong khu vực công. Theo quy định mới của chính phủ Croatia, từ ngày 22/11, chỉ những người có hộ chiếu Covid-19 mới có thể vào các tòa nhà chính phủ và nơi công cộng ở Croatia.

Trong khi đó, tại ý các cuộc biểu tình của người dân nổ ra yêu cầu bỏ "thẻ xanh" (xác nhận đã tiêm ngừa, khỏi bệnh và xét nghiệm âm tính) ở nơi làm việc, trên phương tiện giao thông công cộng.

Bình luận