Sự thật đằng sau việc Mỹ không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đối thoại

VOH - Theo báo chí Trung Đông, Iraq đang làm trung gian để tái kết nối Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Nếu viễn cảnh này thành công, có thể tiến tới hòa giải rộng lớn hơn, giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran. Điều này không loại trừ khả năng sẽ khiến lính Mỹ ở Đông Bắc Syria phải rút về. Với cuộc chiến ở Gaza đang phức tạp, có thể Washington không mặn mà với điều này.

c_Syria_USArmy
Vị trí được cho là căn cứ Mỹ ở Đông Bắc Syria - Ảnh: Google map

Trong cuộc gặp với ngoại trưởng Iraq – ông Fuad Hussein tại Washington vừa qua, giới chức Mỹ đã đề cập tới viễn cảnh trên. Họ thờ ơ trước khả năng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đối thoại. Quan điểm của Washington vẫn là phản đối bình thường hóa quan hệ với Syria.

Tháng 5/2024, tổng thống Syria, ông Bashar Al-Assad đã đến Bahrain để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên đoàn Ả Rập. Đây là lần thứ 2 liên tiếp ông dự hội nghị này. Lần trước là năm 2023 tại Ả Rập Xê Út.

Giữa tháng 7/2024, Syria và Ả Rập Xê Út đã bắt đầu lại các chuyến bay thẳng, kết nối Damascus với thế giới Ả Rập bên ngoài UAE.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu Iraq kết nối thành công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, sẽ tác động lớn với lực lượng Mỹ đang chiếm đóng khu vực Đông Bắc Syria. Đây là nơi nhiều dầu mỏ và có vị trí địa lý chiến lược.

Ông Robert Ford, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Syria nói rằng, tác động là rất rõ ràng. Tổng thống Assad quá yếu để chống lại quân đội Mỹ. Nhưng khi họ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, ván cờ sẽ thay đổi.

Quân đội Hoa Kỳ có mặt ở Syria từ năm 2015, để chống lại lực lượng nhà nước Hồi giáo (IS). Lực lượng dân chủ Syria (SDF) của người Kurd, cũng là đối tác của quân đội Hoa Kỳ. Hiện nay, IS đã bị đánh bại ở Syria, nhưng Hoa Kỳ vẫn ở lại với khoảng 900 quân.

Về lý thuyết, nhiệm vụ của lực lượng này là tiến hành các cuộc đột kích và oanh kích, chống lại những nhóm IS lẻ tẻ đang ẩn náu. Tuy nhiên, có vẻ bài toán địa chính trị phức tạp hơn rất nhiều. Một số quan chức Hoa Kỳ tin rằng, sự hiện diện của binh sĩ Hoa Kỳ, là để ngăn cản chính phủ của ông Assad tiếp cận vùng lãnh thổ nhiều dầu mỏ tại Đông Bắc.

Nội chiến từ năm 2011 ở Syria đã gần như kết thúc, khi chính phủ của tổng thống Assad kiểm soát 2/3 lãnh thổ. Khu vực Đông Bắc chiếm khoảng 1/3 còn lại. Đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi đây, là mục tiêu của cả Syria, Nga và Iran.

Một số cựu quan chức Nhà Trắng cho rằng, sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực này đang trở thành gánh nặng.

Ông Douglas Silliman, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq từ 2016 đến 2019 nói: “Mối quan tâm hàng đầu của chúng ta là chống lại trục kháng chiến của Iran. Do đó có thể Nhà Trắng sẽ không muốn thấy đàm phán giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đây không phải trận bóng đá, lúc nào cũng phải 1 bên thắng và 1 bên thua.”

Tranh luận ở Washington về việc đưa quân trở về hay ở lại Syria, đã diễn ra từ năm 2019, khi chính quyền ông Trump muốn rút bớt khỏi Trung Đông.

Theo đại sứ Silliman, nếu các lực lượng Iraq đủ mạnh để kiểm soát tình hình, thì điều đó có lợi cho Hoa Kỳ. Rút quân là cần thiết.

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngưng quan hệ ngoại giao từ năm 2011, nhưng tổ chức đàm phán không liên tục từ đó. Trong nội chiến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nhóm phiến quân Sunni chống lại chính phủ của ông Assad.

Nga đã can thiệp quân sự, để xoay chuyển cục diện có lợi cho tổng thống Assad, cũng là bên mong muốn Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại. Các bộ trưởng quốc phòng và giám đốc tình báo 2 bên đã gặp nhau tại Moscow vào năm 2022 và 2023.

Tổng thống Erdogan đang muốn đạt được thỏa thuận với tổng thống Al-Assad, khi người dân trong nước bất mãn vì 3 triệu người tị nạn Syria đang có mặt trong lãnh thổ, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn phức tạp. Ở bên kia, tổng thống Assad kiên quyết phản đối sự có mặt của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong lãnh thổ Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào Syria năm 2016, để chống lại các nhóm chiến binh người Kurd. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm ủy nhiệm, đã kiểm soát 1 diện tích khá lớn ở miền Bắc Syria.

Sự ủng hộ của Washington đối với nhóm chiến binh người Kurd SDF, từ lâu đã gây bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara xem SDF là cánh tay của đảng công nhân người Kurd (PKK) mà họ coi là tổ chức khủng bố.

Theo báo chí Trung Đông, Iraq gần đây đã đạt được bước đột phá, trong việc kết nối Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Tổng thống Assad chịu từ bỏ điều kiện tiên quyết là Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân trước khi đàm phán.

Các nhà phân tích nhận định rằng, vẫn còn khoảng cách lớn giữa 2 nước. Các tiến triển vừa qua sẽ gây lo ngại cho SDF, rằng Hoa Kỳ có thể bỏ rơi họ.

Tháng 3/2024, tướng Erik Kurilla, chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Mỹ ở Trung Đông đã tới thăm Đông Bắc Syria. Chuyến thăm được nhận định là thất bại, trong việc kết nối niềm tin giữa SDF và Thổ Nhĩ Kỳ. SDF tiếp tục hứng chịu các cuộc oanh kích của không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời gian qua, Iraq có nhiều động thái ngoại giao cầu nối đáng chú ý. Ví dụ giúp Ai Cập và Jordan củng cố quan hệ kinh tế và an ninh. Iraq cũng là nơi kết nối đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Iran, giúp xoa dịu căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc là nơi chốt thỏa thuận cuối cùng.

Động thái của Iraq có thể gây áp lực lên SDF, nhưng nó cũng báo hiệu Trung Đông đang thay đổi sau sự kiện ngày 7/10/2023. Các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ ngày càng tự chủ hành động, để tạo ra thỏa thuận vì lợi ích chính họ, và cũng có thể mang đến lợi ích cho Iran.

Chính phủ Iraq của thủ tướng Mohammed Shia Al-Sudani được cho là có cơ sở và sự kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ. Iraq đã cấm PKK hoạt động, cũng như phớt lờ các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cũng có quan hệ tốt với người đồng cấp Iraq Fuad Hussein. Ông Hussein có liên hệ với đảng dân chủ Kurdistan (KDP), một tổ chức của người Kurd nhưng gần gũi với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Iraq cũng không muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tấn công vào Đông Bắc Syria.

Theo các chuyên gia, Iraq đang tận dụng vai trò trung gian, để đàm phán lại với Hoa Kỳ. Hai nước sắp tổ chức thương lượng về tương lai của 2.500 binh sĩ Hoa Kỳ đang hiện diện trên lãnh thổ Iraq. Iraq không muốn xung đột gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, vì đã và đang tạo ra dòng người tị nạn lớn. Đó là lý do họ quyết tâm kết nối Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Ông Robert Ford, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Syria nhận định, sứ mệnh hòa giải của Iraq có liên quan đến mục tiêu của Iran, là đẩy quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Syria và xa hơn là cả ở Iraq. Trong các cuộc đàm phán cầu nối, 1 thành viên trong phái đoàn Iraq là ông Falih al-Fayyadh, người đứng đầu lực lượng động viên nhân dân (PMF) do Iran hậu thuẫn. Đây là nhóm bán quân sự của người Hồi giáo dòng Shiite.

Bình luận