Tại sao Mỹ hoãn phê duyệt vắc xin của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi?

(VOH) - Theo Wall Street Journal (WSJ), cơ quan quản lý y tế Mỹ quyết định hoãn phê duyệt vắc xin Covid-19 của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi.

Dữ liệu cho đến nay cho thấy vắc xin Pfizer dành cho trẻ em đạt hiệu quả ngừa chủng Delta nhưng nhiều trẻ đã tiêm chủng vẫn mắc Covid-19 sau khi chủng Omicron xuất hiện.

Cơ quan quản lý Thực phẩm, Dược phẩm Mỹ (FDA) và hãng Pfizer nhất trí sẽ chờ thêm dữ liệu nghiên cứu để có cơ sở đánh giá kỹ hơn tính hiệu quả của vắc xin.

FDA cũng sẽ kiểm tra xem vắc xin có tạo được mức độ miễn dịch cho trẻ em ngang bằng như mức đối với người lớn hay không.

Cơ quan này hy vọng sẽ đưa ra được quyết định về vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi trong thời gian mùa xuân này còn phía hãng Pfizer cũng cho biết kết quả nghiên cứu của họ dự kiến sẽ hoàn thiện vào đầu tháng Tư năm nay.

Xem thêm: Pfizer thử nghiệm vắc xin Covid-19 phiên bản mới 'chống lại' biến thể Omicron

vắc xin Covid-19, Pfizer-BioNTech
Trẻ em từ 5 - 11 tuổi tại Mỹ đã được tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer-BioNTech (Ảnh: WSJ)

Quyết định tạm hoãn duyệt vắc xin của FDA được đưa ra chỉ vài ngày trước ngày FDA dự kiến sẽ phê duyệt mũi thứ 3 dành cho trẻ em dưới 5 tuổi đã khiến nhiều phụ huynh đã tiêm 2 mũi vắc xin cho con mình bày tỏ bức xúc bởi cho rằng đáng lẽ FDA không nên cấp phép ngay từ đầu nếu vắc xin chưa tạo được kháng thể đủ mạnh chống các chủng Covid-19.

Một số chuyên gia y tế thừa nhận, chưa rõ vì sao vắc xin lại không đạt hiệu quả mong muốn ở trẻ em nhưng một số khác cũng đưa ra những giả thuyết rằng có thể hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện hoặc lượng vắc xin tiêm cho trẻ em quá thấp.

Mỗi liều vắc xin Pfizer cho trẻ dưới 5 tuổi chỉ có 3 micrograms, tương đương 1/10 liều dành cho người lớn.

Pfizer cho biết trước đó họ đã thử nghiệm liều 10 micrograms cho trẻ em nhưng thấy có quá nhiều phản ứng phụ như sốt cao, ớn lạnh cho nên đã giảm xuống 3 micrograms để đảm bảo an toàn.

Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hiện gây ra tới hơn 50% số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu.

Tại nhiều quốc gia, biến thể Omicron gốc (được các nhà khoa học gọi là BA.1) đã khiến số ca mắc Covid-19 tăng cao đột biến, tuy nhiên, “hậu duệ” của BA.1 - được gọi là BA.2 hay "Omicron tàng hình" - hiện còn lây lan nhanh hơn và được dự báo có thể sớm trở thành phiên bản thống trị của vi rút SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu về "Omicron tàng hình" cho thấy sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc Covid-19 - có lẽ là do biến thể này dễ lây lan hơn so với phiên bản gốc. Một số kết quả nghiên cứu sơ bộ khác lại cho thấy "Omicron tàng hình" có thể dễ dàng "né" các kháng thể mà cơ thể vật chủ có được do đã tiêm ngừa Covid-19 hoặc đã mắc bệnh này trước đó, mặc dù khả năng này của "Omicron tàng hình" không vượt trội hơn so với phiên bản gốc.

Bình luận