Taliban nắm quyền, diện tích cây thuốc phiện ở Afghanistan giảm 95%

VOH - Liên Hợp Quốc cho biết, tình trạng trồng cây anh túc và sản xuất thuốc phiện đã giảm 95% ở Afghanistan kể từ khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát và ban lệnh cấm.

Báo cáo của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho thấy, diện tích trồng cây thuốc phiện đã giảm khoảng 95%, từ 233.000 ha vào cuối năm 2022 xuống còn 10.800 ha vào năm 2023.

Sản lượng thuốc phiện cũng giảm mạnh từ 6.200 tấn xuống còn 333 tấn vào năm 2023. Ước tính sản lượng thu hoạch có thể xuất khẩu năm nay lên tới 24-38 tấn heroin, so với 350-580 tấn năm ngoái, theo báo cáo.

Theo UNODC, sự sụt giảm lớn về nguồn cung từ Afghanistan - ước tính cung cấp khoảng 80% lượng thuốc phiện bất hợp pháp trên thế giới - có thể dẫn đến việc giảm sử dụng thuốc phiện trên phạm vi quốc tế, nhưng cũng có nguy cơ làm gia tăng việc sử dụng các chất thay thế trên toàn cầu như fentanyl hoặc opioid tổng hợp.

Xem thêm: Mỹ: Thuốc fentanyl trở thành "mối đe dọa ma túy nguy hiểm nhất"

thuốc phiện
Nông dân Afghanistan thu hoạch nhựa cây thuốc phiện trên cánh đồng hoa anh túc ở tỉnh Nangarhar ngày 17/4/2018 - Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia, trong thời kỳ cai trị trước đây, Taliban đã cấm trồng cây thuốc phiện vào năm 2000 khi họ tìm kiếm tính hợp pháp quốc tế nhưng phải đối mặt với phản ứng dữ dội của dân chúng.

Kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2021, chính quyền Taliban tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất ma túy bất hợp pháp ở Afghanistan.

Tới tháng 4/2022, Taliban đã cấm trồng cây anh túc, loại cây dùng để sản xuất thuốc phiện và heroin.

UNODC cảnh báo về "khả năng xảy ra hậu quả nhân đạo đối với nhiều cộng đồng nông thôn dễ bị tổn thương" do sự suy giảm đột ngột của nền kinh tế thuốc phiện ở Afghanistan, và người trồng trọt phải chuyển sang các loại cây trồng thay thế sinh lợi thấp hơn nhiều.

Theo UNODC, thu nhập của nông dân, ước tính khoảng 1,36 tỷ USD vào năm 2022, đã giảm 92% xuống còn 110 triệu USD trong năm nay.

Năm ngoái, cây thuốc phiện chiếm gần 1/3 tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ở Afghanistan, nước sản xuất hàng đầu thế giới.

Giám đốc điều hành UNODC Ghada Waly cho biết, người dân Afghanistan cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp để vượt qua cú sốc về thu nhập bị mất và duy trì cuộc sống. Đối với tất cả ngành sản xuất khác như bông và lúa mì, họ cần nhiều nước hơn do đang trải qua 3 năm hạn hán liên tiếp.

Bình luận