Chờ...

Tây Ban Nha cho phép 'quyền được chết' nhằm hỗ trợ người bệnh hiểm nghèo muốn kết thúc cuộc đời

(VOH) - Tây Ban Nha thông qua luật cho phép an tử, còn gọi là “cái chết nhân đạo” hay “quyền được chết” nhằm hỗ trợ người bệnh hiểm nghèo muốn kết thúc cuộc đời.

Hạ viện Tây Ban Nha đã biểu quyết thông qua luật cho phép an tử vào ngày 18/3. Luật này cho phép những người "mắc bệnh nặng vô phương cứu chữa," hoặc rơi vào "tình trạng suy nhược mãn tính" và cảm thấy "không thể chịu đựng", sẽ được sử dụng các biện pháp hỗ trợ để kết thúc cuộc sống của mình.

Luật này áp dụng cho người trưởng thành cư trú tại Tây Ban Nha, có hiệu lực sau 3 tháng. Trong thời gian đó, giới chức sẽ thành lập các ủy ban kiểm soát khu vực, xem xét và phê duyệt những yêu cầu trợ tử.

Trước đó, theo luật pháp Tây Ban Nha, hành động tự sát và hỗ trợ tự sát có thể bị phạt tù từ 2-10 năm, nhưng có thể giảm án nếu người tự sát bị bệnh nan y hoặc đang phải chịu đựng những cơn đau dày vò và đề nghị được chết.

Lần đầu tiên, bệnh nhi tại Bỉ được trợ giúp chết "êm ái”

 

Luật mới về an tử đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phe cực hữu và các nhóm tôn giáo. Đảng cực hữu Vox cho biết sẽ phản đối điều luật trước Tòa án Hiến pháp. Bên ngoài Quốc hội, trong khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, cả nhóm ủng hộ và phản đối đều biểu tình.

an tử, quyền được chết
Những tấm bảng mang thông điệp ủng hộ an tử, được người biểu tình giương cao bên ngoài tòa nhà Quốc hội Tây Ban Nha (Ảnh: EPA)

Tây Ban Nha trở thành nước thứ 5 tại châu Âu chấp nhận an tử, sau Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg. Các quốc gia này cho phép hỗ trợ y tế để bệnh nhân được chết “êm ái”, nhưng đi kèm những quy định riêng.

Quyền được hỗ trợ để chết không đau đớn là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia, trong đó những người ủng hộ cho rằng ở xã hội văn minh, mọi người nên được lựa chọn khi nào họ sẵn sàng để chết và nên được giúp đỡ nếu không thể tự chấm dứt cuộc sống của mình.

An tử đề cập đến trường hợp mà trong đó, các biện pháp tích cực được thực hiện để kết thúc đời sống của một ai đó, nhưng hành động này phải do người khác thực hiện, chẳng hạn một bác sĩ.

Khái niệm này khác với tự tử có hỗ trợ, trong đó một người tự kết thúc đời mình với sự hỗ trợ từ một ai đó, nhưng không phải bác sĩ.

Thuỵ Sĩ là quốc gia đầu tiên được nhắc tới khi đề cập đến việc trợ tử. Nước này cho phép công dân ra đi với sự hỗ trợ của bác sĩ mà không yêu cầu về độ tuổi tối thiểu, kết quả chẩn đoán hay triệu chứng.

Tuy nhiên, việc trợ tử bị xem là bất hợp pháp nếu động cơ là "tư lợi cá nhân", ví dụ giúp ai đó chết để được thừa kế sớm hơn, hoặc không muốn mang gánh nặng vì chăm sóc người bệnh.

Tại Hà Lan, cả chết không đau đớn và hỗ trợ tự tử đều là hợp pháp, trong trường hợp một người đang đau đớn quá sức chịu đựng và không có cơ hội để cải thiện tình hình. Luật Hà Lan không yêu cầu người này phải bị bệnh nan y và không đặt ra thời hạn chờ đợi bắt buộc.

Trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể yêu cầu hỗ trợ chết, nhưng trẻ dưới 16 tuổi cần có sự đồng thuận từ cha mẹ.

Nhiều cuộc kiểm tra sẽ được thực hiện trước khi một trường hợp trợ tử được thông qua. Các bác sĩ cân nhắc việc hỗ trợ tự tử phải tham vấn với ít nhất một bác sĩ độc lập khác để xác nhận bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí cần thiết.

Bỉ cho phép cả quyền được chết không đau đớn và hỗ trợ tự tử với những người quá đau đớn và không có cơ hội cải thiện. Nếu một bệnh nhân không mắc bệnh nan y, họ phải chờ một tháng trước khi tiến hành chết không đau đớn.

Bỉ không giới hạn độ tuổi với trẻ em trong vấn đề này, nhưng phải mắc bệnh nan y mới đáp ứng tiêu chí xét duyệt hỗ trợ chết.

Luxembourg chỉ cho phép người lớn được chết không đau đớn và tự tử có hỗ trợ. Bệnh nhân phải mắc bệnh không thể chữa khỏi, bị đau đớn liên tục đến mức không chịu đựng nổi và không thể hồi phục.

Luật này được áp dụng tương tự tại Canada với những người lớn có cái chết "có thể nhìn thấy trước". Tuy nhiên, tại tỉnh Quebec, chỉ chết không đau đớn được cho phép.

Các bệnh nhân giai đoạn cuối ở Colombia có thể yêu cầu chết tự nguyện và phải được một ủy ban độc lập chấp thuận. Trường hợp tử vong đầu tiên trên cơ sở này tại Colombia xảy ra vào năm 2015.