Thấy gì từ vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên?

(VOH) - Triều Tiên hôm 9/9 đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5, cũng là vụ thử lớn nhất từ trước tới nay. Vụ thử lần này có gì khác biệt so với các vụ thử trước đây và chúng ta có thể thấy gì từ vụ thử này?

Triều Tiên tuyên bố tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 thành công (Ảnh: Reuters)

1. Sức công phá

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là vụ thử hạt nhân lần này của Triều Tiên phải chăng có sức nổ mạnh hơn?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố lần thử nghiệm thứ 4 vào tháng Giêng năm nay là thử nghiệm bom H (bom nhiệt hạch), sức công phá của nó tương đương với khoảng 6 - 8 kiloton (đơn vị trọng lượng 1.000 tấn) thuốc nổ TNT.

Có một điều cần lưu ý rằng sức mạnh của lần thử nghiệm đó có lẽ nhỏ hơn lần thử trước đó (lần thứ 3), và không phải là bom H như Triều Tiên đã tuyên bố.

Lần thử nghiệm thứ 4 được tiến hành ở độ sâu gấp đôi lần thử thứ 3, chứng tỏ ông Kim jung-un hy vọng sức nổ có thể đạt được khoảng 50 kiloton - điều này sẽ gần hơn với quả bom H.

Vậy lần thử thứ 5 này tạo ra sức nổ mạnh như thế nào? Những đánh giá ban đầu cho thấy nó khoảng 20 kiloton, nhưng các giới chức Hàn Quốc cho rằng chỉ khoảng 10 kiliton.

Tuy nhiên, cho dù là 20 kiliton hay 10 kiloton thì sức nổ của nó cũng mạnh hơn lần thử thứ 4.

2. Những tính toán của ông Kim Jong-un

Trong năm nay, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và một lần phóng vệ tinh được cho là một tên lửa liên lục địa.

Ngoài ra, nước này còn phóng hơn 30 tên lửa đạn đạo có tầm bắn 200km hoặc xa hơn. Con số này nhiều hơn bất kỳ các lần thử tên lửa nào của Triều Tiên trước đây.

Ông Kim Jong-un nói Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị xâm lược Triều Tiên nhưng thật ra ông mới là người làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và vụ thử lần thứ 5 này là một minh chứng, nó khiến tình hình trở nên xấu hơn.

Triều Tiên là một nước có nền kinh tế kém phát triển trong khi năng lực lãnh đạo đất nước của ông Kim Jong-un yếu nên ông muốn dùng các vụ thử hạt nhân và răn đe hạt nhân để chuyển sự chú ý của mọi người vào những yếu kém của mình.

Qua đó, ông Kim Jong-un hy vọng có thể nhận được sự ủng hộ của quân đội, đồng thời răn đe các thế lực chống đối ông ở nước ngoài.

Mỗi một lần gây hấn của ông Kim Jong-un đều cho thấy ông đang chịu ngày càng nhiều những áp lực nội bộ ở trong nước. Do đó ông phải tìm cách để chuyển hướng sự tập trung của mọi người vào ông.

3. Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên

Tháng 12 năm ngoái, ông Kim Jong-un từng nói rằng các nhà khoa học nước này đã phát triển bom H, một loại vũ khí hạt nhân được sử dụng như tên lửa đạn đạo với sức công phá lớn hơn. Nhưng vụ thử hạt nhân hồi tháng 1/2016 khiến người ta khó có thể tin vào điều đó, và như thế có thể được xem là một sự thất bại.

Ông Kim Jong-un ta đang mong đợi các nhà khoa học nước này có thể giải quyết được một số vấn đề về kỹ thuật nhằm tăng cường sức nổ của vũ khí hạt nhân. Điều này là hết sức quan trọng đối với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, và cũng là chuyện hệ trọng đối với các chuyên gia về vũ khí hạt nhân của nước này bởi nó liên quan đến sự sống còn.

4. Cách nhìn nhận của Trung Quốc

Cách đây không lâu, Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố sẽ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc để phòng ngừa các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, nhưng kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước tại Hàn Quốc và đặc biệt từ Trung Quốc.

Trung Quốc chưa làm đúng vai trò như một “nước lớn” để gia tăng sức ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên và chưa ngăn được những hành động tiếp tục gây hấn của Triều Tiên.

Nay Trung Quốc phải đưa ra lựa chọn của mình: hoặc là phải có trách nhiệm kiềm chế Triều Tiên nếu muốn đóng vai trò là một “nước lớn”, hoặc là chỉ quan tâm đến sự an toàn của chính mình và làm giảm sự chú ý của mọi người vào những tranh chấp của nước này tại Biển Đông.

5. Mỹ sẽ thay đổi lập trường?

Mỹ vẫn luôn áp dụng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên, chịu đựng để nước này tiếp tục gây hấn và phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Mỹ cần phải đưa ra kế sách khác vì Triều Tiên đang chứng tỏ họ quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đang buộc Mỹ và các đồng minh của mình trong khu vực phải thay đổi chiến lược.

Trong khi đó, người dân Hàn Quốc cũng cần phải quyết định liệu họ có muốn được Mỹ bảo vệ trước mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên hay không.

Có nhiều người tất nhiên muốn được Mỹ bảo vệ, nhưng cũng có người lại không muốn vì nghĩ rằng Triều Tiên là hàng xóm thân thiện. Tuy nhiên, những vụ thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên có thể sẽ khiến một số người suy nghĩ lại. Với những người xem việc đó là “chẳng hề gì”, phía Hàn Quốc cần phải lưu ý.