Các thanh thiếu niên tại Wake Forest, Bắc Carolina đã cùng nhau tham gia một thử thách nguy hiểm - đó là sử dụng bình xịt dễ cháy để tạo ra súng phun lửa thu nhỏ giống như các clip trên TikTok.
Trong đó, Mason Dark tạo ra một súng phun lửa tạm thời bằng hộp sơn xịt và bật lửa. Điều này đã gây ra một vụ nổ khiến Mason Dark bỏng gần 80% cơ thể.
“Mọi người đều nghe thấy một tiếng nổ lớn, rồi Mason chạy ra ngoài và bắt đầu cởi áo ra” - bà Holli Dark, mẹ cậu bé nói.
Mason nhảy xuống một con sông gần đó để làm dịu vết bỏng, nhưng nổi lên với làn da cháy đen. Cậu bé bị bỏng độ ba hình chữ T trên lưng và có nguy cơ cao bị nhiễm trùng từ nước sông.
Mason được đưa đến Trung tâm Bỏng UNC với vết bỏng chiếm 76% cơ thể, mẹ cậu cho biết. Mason đã trải qua nhiều ca phẫu thuật để ghép da.
Cậu thiếu niên, vốn là một cầu thủ bóng đá và vận động viên chạy điền kinh rất năng động, dự kiến sẽ phải dành 6 tháng tới để điều trị tại trung tâm bỏng.
Đọc thêm:
Trào lưu nấu ăn không cần nồi trên TikTok có thể ảnh hưởng đến sức khỏe
Indonesia cảnh báo kẹo khói gây bỏng đang trend trên TikTok
Thời gian qua, TikTok - nền tảng chia sẻ video ngắn có hàng tỷ người dùng, chủ yếu trong độ tuổi 16-24 - xuất hiện vô số thử thách độc hại, kéo theo đó là hàng loạt vụ tai nạn chết người do thực hiện các thử thách này.
Thử thách lao ra trước xe tải đang chạy trên đường (angel of death challenge), nếu khiến phương tiện dừng lại trước khi tông trúng người thì thành công. Nhiều thanh thiếu niên Indonesia tham gia thử thách và ít nhất 2 người thiệt mạng, nhiều trường hợp bị chấn thương nặng.
Thử thách “thổi ngón tay cái” (thumb blowing challenge) - quỳ xuống đất và hít vào thật sâu trước khi bật dậy rồi thổi phồng miệng với ngón tay cái ngậm chặt bên trong. Làm theo thử thách này, một cậu bé 12 tuổi ở Anh hôn mê suốt 36 tiếng do bị ngã; một cậu bé 13 tuổi tại Australia cũng phải nhập viện vì cú ngã đập đầu vào cột kim loại với lý do tương tự.
Ngoài ra còn vô số thử thách nguy hiểm được lan truyền trên TikTok như: “gương lửa” (fire mirror challenge) - người tham gia phun chất lỏng dễ cháy lên gương rồi châm lửa; thử thách “thùng sữa” (milk crate challenge) - chất các thùng sữa chồng lên nhau và cố gắng đi qua; thử thách “benadryl” (benadryl challenge) - uống 12 viên thuốc dị ứng để chìm vào ảo giác...
Những chấn thương, thậm chí là tử vong do các thử thách này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ tại nhiều quốc gia về những nội dung độc hại mà con cái họ có thể đang theo dõi trên mạng.