Tổng thống Biden nói gì trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng LHQ?

(VOH) - Vào 10:00 sáng 21/9 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 21:00 cùng ngày theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc kể từ khi nhậm chức.

Bài phát biểu dài hơn 30 phút của ông Biden tập trung vào 8 chủ đề chính. Ông nói Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ theo đuổi các quy tắc mới trong thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế.

Tổng thống Biden đã nói gì trong bài phát biểu đầu tiên của ông tại Đại hội đồng LHQ? 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 21/9/2021. (Ảnh: Getty Images)

Trong bài phát biểu, người đứng đầu Nhà Trắng cũng lạc quan kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng đoàn kết, ủng hộ việc xây dựng một "tương lai tốt đẹp hơn" và ứng phó với những thách thức.

Ứng phó với đại dịch Covid-19

Đầu tiên, ông Biden đề cập đến những thiệt hại to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra trên toàn thế giới.

Ông nói, chúng ta đã mất mát quá nhiều vì đại dịch tàn khốc này. Nó đang tiếp tục cướp đi những sinh mạng trên thế giới và tác động quá lớn đến sự tồn tại của chúng ta. Chúng ta đang tiếc thương cho hơn 4,5 triệu người đã tử vong tại các nước.

Ông cho biết Mỹ đã đóng góp hơn 15 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với Covid-19 trên toàn cầu và cung cấp "hơn 160 triệu liều vắc-xin Covid-19" cho các nước.

Mỹ sẽ theo đuổi các quy tắc mới trong thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế

Ông Biden nói: "Chúng tôi sẽ theo đuổi các quy tắc mới trong thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh công bằng để nó không bị nghiêng về bất kỳ quốc gia nào, gây tổn hại đến lợi ích của các quốc gia khác. Mỗi một quốc gia đều có quyền và cơ hội cạnh tranh công bằng".

Ông Biden nói thêm rằng chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo các quyền lao động cơ bản và quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ, để những lợi ích của toàn cầu hóa được chia sẻ rộng rãi trong xã hội của chúng ta. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các quy tắc và chuẩn mực mà bấy lâu nay đã đã tạo nên hàng rào bảo vệ trong các mối quan hệ quốc tế trong nhiều thập kỷ qua. Các quy tắc và chuẩn mực này rất quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ cam kết sẽ nỗ lực để đảm bảo tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp và hiệp ước quốc tế, ủng hộ các biện pháp kiểm soát vũ khí nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính minh bạch.

Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cam kết sẽ hợp tác với các đồng minh và Liên hợp quốc.

"Khi trọng tâm của chúng tôi chuyển sang các khu vực và các vấn đề ưu tiên toàn cầu, chẳng hạn như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là những khu vực quan trọng nhất cho hiện nay và tương lai, chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để tăng cường sức mạnh tập thể và tốc độ của chúng tôi thông qua hợp tác và các thể chế đa phương như Liên hợp Quốc, qua đó thúc đẩy những bước tiến của chúng tôi trong việc ứng phó với những thách thức toàn cầu này ", ông nói.

Vấn đề Afghanistan

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Biden đã đề cập đến vấn đề rút quân khỏi Afghanistan. Ông nói, Mỹ sẽ nhìn về phía trước chứ không "tiếp tục các cuộc chiến tranh trong quá khứ".

Ông Biden nói rằng thế giới đang đứng trước một "bước ngoặt lịch sử".

Ông nói với lãnh đạo các nước rằng chúng tôi không tiếp tục theo đuổi các cuộc chiến trong quá khứ mà tập trung vào việc sử dụng các nguồn lực để đối phó với những thách thức được cho là rất quan trọng đối với tương lai: chấm dứt trận đại dịch Covid-19, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, xây dựng các quy tắc quốc tế về các vấn đề quan trọng như thương mại, không gian mạng và các công nghệ mới nổi để đối phó với các mối đe dọa khủng bố hiện nay.

Ông khẳng định, chúng tôi đã chấm dứt 20 năm xung đột ở Afghanistan. Khi khép lại kỷ nguyên chiến tranh không ngừng nghỉ này, chúng tôi đang mở ra một kỷ nguyên ngoại giao mới, sử dụng sức mạnh từ nguồn tài trợ phát triển của mình để đầu tư vào những cách làm mới nhằm tiếp thêm sinh lực cho người dân trên thế giới, bảo vệ nền dân chủ…

Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh

Về vấn đề Trung Quốc, ông Biden đã ám chỉ trong bài phát biểu của mình rằng ông sẽ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc, mặc dù ông không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc trong bài phát biểu.

Ông nói Mỹ không tìm cách quay trở lại kỷ nguyên xung đột toàn cầu tương tự như cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ với Liên Xô.

"Mỹ sẽ cạnh tranh và cạnh tranh khốc liệt, và sẽ dẫn đầu bằng các giá trị và sức mạnh của chúng tôi", ông Biden nói.

Ông cũng nói rằng Mỹ sẽ ra mặt vì các đồng minh và bạn bè nhằm chống lại những nỗ lực "kẻ mạnh thống trị kẻ yếu".

"Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, hay một thế giới bị chia thành những phe cố định. Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình để cùng giải quyết các thách thức, ngay cả khi chúng tôi bất đồng gay gắt trong những lĩnh vực khác",  ông Biden nói.

Mỹ cam kết chi 10 tỷ USD vào việc chống lại nạn đói trên toàn cầu

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden tuyên bố Mỹ cam kết sẽ chi 10 tỷ USD vào việc "xóa bỏ nạn đói và đầu tư vào hệ thống lương thực trong và ngoài nước".

Ông Biden nói, giữa lúc gần 1/3 dân số thế giới không thể có đủ lương thực, chỉ mới năm ngoái, Mỹ đã cam kết triệu tập các đối tác của mình để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng hiện nay và đảm bảo rằng chúng ta có thể nuôi sống dân số toàn cầu một cách bền vững trong những thập kỷ tới.

Biến đổi khí hậu

Tổng thống Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng đoàn kết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và nói rằng cuộc khủng hoảng này là "không biên giới".

Ông nói, để đạt được mục tiêu quan trọng là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, khi chúng ta tổ chức hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) ở Glasgow, Scotland, mỗi quốc gia cần đưa ra những tham vọng lớn nhất của mình. Sau đó, chúng ta phải không ngừng nâng cao tham vọng tập thể của chúng ta theo thời gian.

Ông Biden tuyên bố sẽ cố gắng huy động 100 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động nhằm đối phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Cảnh giác với chủ nghĩa khủng bố

Ông Biden nói Mỹ phải luôn cảnh giác với chủ nghĩa khủng bố ở nước ngoài và ở "sân sau" của Mỹ.

"Chúng ta phải luôn cảnh giác trước nguy cơ khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa đối với tất cả các nước, dù đó là một nơi xa xôi của thế giới hay ở sân sau của chúng ta", ông Biden khẳng định.

Ông cũng cho biết Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác trong khu vực để giảm thiểu nhu cầu triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn.

Ông nói: "Chúng ta sẽ sử dụng các công cụ hiện có của chúng ta để ứng phó với các mối đe dọa khủng bố có thể xảy ra trong hiện tại và trong tương lai, bao gồm cả việc hợp tác với các đối tác sở tại. Như thế, chúng ta sẽ không phải phụ thuộc quá nhiều vào việc triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn. Một trong những cách quan trọng nhất mà chúng ta có thể tăng cường an ninh và giảm thiểu bạo lực một cách hiệu quả là tìm cách cải thiện cuộc sống của những người không thể nhận được những gì họ cần từ chính phủ của họ trên thế giới".