Ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận rằng Washington không công nhận Tòa Hình sự quốc tế (ICC) nhưng đồng ý với các tuyên bố của tòa này cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã "phạm các tội ác chiến tranh" ở Ukraine.
"Vấn đề là cả Mỹ và Nga đều không công nhận Tòa Hình sự Quốc tế. Nhưng tôi nghĩ động thái đó đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ" – ông Biden nói.
ICC ngày 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. ICC cho rằng hoạt động nói trên diễn ra sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.
Quyết định được ICC đưa ra sau cuộc điều tra về cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người liên quan đến chiến sự Ukraine, điều mà Moskva nhiều lần phủ nhận.
Mỹ và Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ không tham gia và không công nhận thẩm quyền của ICC.
Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga đã phủ nhận tuyên bố trên của Tòa Hình sự quốc tế, coi đó là vô nghĩa. Họ cũng khẳng định rằng Nga không phải là một bên trong Quy chế Rome của ICC, và tòa này không có thẩm quyền ở Nga.
Các quan chức Nga khác nói rằng ICC đã tự hủy hoại chính mình và cho thấy các thể chế được phương Tây hậu thuẫn đã trở nên "vô giá trị và mất ý nghĩa" như thế nào.
Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin ngày 17/3 tuyên bố quyết định của ICC là "động thái mang tính lịch sử với Ukraine và toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế".