Thông tin trên được cố vấn Nhà Trắng Judd Devermont thông báo ngày 9/12. Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tuyên bố kêu gọi và hỗ trợ Liên minh châu Phi (AU) gia nhập G20 tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và lãnh đạo các nước châu Phi sẽ diễn ra tại thủ đô Washington vào tuần sau.
“Chúng tôi cần thêm tiếng nói từ các nước châu Phi trong các cuộc đàm phán quốc tế về những vấn đề đang gây lo ngại toàn cầu như kinh tế, chính trị, biến đổi khí hậu, y tế và an ninh”, ông Devermont nói.
Theo ông Devermont, Mỹ quyết định hỗ trợ AU gia nhập G20 sau khi nhận được yêu cầu từ Tổng thống Senegal kiêm Chủ tịch luân phiên hiện tại của Liên minh châu Phi - ông Macky Sall và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa.
Hiện tại, trong tổng số 55 nước thành viên của AU thì chỉ có Nam Phi là quốc gia châu Phi duy nhất có mặt trong nhóm G20.
“Đã đến lúc các nước châu Phi là thành viên thường trực trên bàn nghị sự của các tổ chức quốc tế”, ông Judd Devermont khẳng định.
Vị cố vấn Nhà Trắng cho biết động thái trên nằm trong nội dung của chiến lược mới công bố vào tháng 8 của Mỹ dành cho khu vực châu Phi-Cận Sahara, trong đó Mỹ đặc biệt coi Nga và Trung Quốc là mối đe dọa, đồng thời cam kết mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước châu Phi “có cùng quan điểm”.
Tài liệu chiến lược mới của Mỹ nhấn mạnh, Washington, cùng với các đồng minh và đối tác ở châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương coi châu Phi là một phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia. Mỹ sẽ tận dụng các thể chế phòng thủ dân sự và mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược có chung giá trị và ý chí để thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu.
Chiến lược mới của Mỹ đối với châu Phi được xem là nhằm cụ thể hóa phát biểu hồi tháng 11 năm ngoái của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong đó lần đầu tiên đưa ra cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với khu vực này.