Tổng thống Palestine bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán với Israel

(VOH) - Tổng thống Abbas bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán được đề xuất sẽ dựa trên "tính hợp pháp quốc tế" và được tiến hành với sự tham gia của các quốc gia khác.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề hòa bình giữa Israel và Palestine vào ngày 8/7, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng, dưới sự bảo trợ của "bộ tứ" (gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc và Nga), Palestine sẵn sàng trở lại bàn đàm phán với Israel.
 

Tổng thống Palestine Abbas (trái) và Thủ tướng Israel Netanyahu (phải). (Nguồn: Văn phòng báo chí thuộc chính phủ Israel)

Tổng thống Palestine Abbas (trái) và Thủ tướng Israel Netanyahu (phải). (Nguồn: Văn phòng báo chí thuộc chính phủ Israel)

Cùng ngày, hãng thông tấn WAFA của nhà nước Palestine đã phát đi một tuyên bố nói rằng, trong cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng thống Abbas bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán được đề xuất sẽ dựa trên "tính hợp pháp quốc tế" và được tiến hành với sự tham gia của các quốc gia khác.

Tuyên bố trên cũng cho biết, Tổng thống Abbas đã thông báo với ông Putin về những diễn biến chính trị mới nhất tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là về kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel.

Ông Abbas đánh giá cao về việc Nga đã không ủng hộ kế hoạch của Israel liên quan đến việc dùng vũ lực để áp đặt chủ quyền đối với một số khu vực tại Bờ Tây cũng như sự ủng hộ của Nga đối với sự độc lập và tự do của Palestine.

Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết Nga ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine-Israel, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc khôi phục lại tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine trên cơ sở của những nghị quyết quốc tế.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực nhằm thành lập một Chính phủ đoàn kết với đối thủ chính trong chiến dịch tranh cử, ông Benny Gantz, lãnh đạo đảng Xanh & Trắng.

Theo đó, Israel dự kiến sẽ bắt đầu áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái tại một số khu vực ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan kể từ ngày 1/7, trong khuôn khổ Kế hoạch hòa bình Trung Đông được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trước đó.

Chính phủ Israel dự định sáp nhập hơn 30% diện tích khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, song đến nay kế hoạch gây tranh cãi này dường như đã bị trì hoãn.

Được biết, kể từ khi thỏa thuận trên được ký kết, căng thẳng giữa Israel và Palestine ngày càng gia tăng.

Covid-19 Thế giới: WHO thừa nhận nguy cơ lây bệnh qua không khí, EU tìm nguồn cung thuốc điều trị - Theo Bộ Y tế Việt Nam, cập nhật lúc 18 giờ ngày 8/7, thế giới ghi nhận 11.980.595 người mắc Covid-19, trong đó, 547.321 người tử vong.
Mỹ: Quyết định hủy visa đối với du học sinh học trực tuyến gặp nhiều chỉ trích - Một số chính trị gia và học giả chỉ trích quyết định mới đây của Mỹ về việc hủy visa (thị thực) của các sinh viên nước ngoài nếu theo học các khóa học trực tuyến toàn phần.
Bình luận