Tổng thư ký LHQ kêu gọi nhanh chóng hành động để đối phó với khủng hoảng lương thực

(VOH) - Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động nhanh chóng và dứt khoát để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Ngày 1/6 tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động nhanh chóng và dứt khoát để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Tổng thư ký LHQ kêu gọi nhanh chóng hành động để đối phó với khủng hoảng lương thực 1

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Getty Images)

Trong chuyến thăm Thụy Điển vào ngày 1/6, ông Guterres có cuộc gặp với Thủ tướng Magdalena Andersson.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Andersson sau cuộc gặp, ông Guterres cho biết sẽ không có giải pháp hữu hiệu cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu nếu các mặt hàng lương thực và phân bón của Ukraine và Nga không thể đến được với thị trường quốc tế.

Người đứng đầu LHQ cho hay ông sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine thông qua con đường đàm phán. Ông Guterres cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động nhanh chóng và dứt khoát để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra do xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt là cuộc khủng hoảng lương thực ảnh hưởng đến các nước đang phát triển.

Về phần mình, bà Andersson cho biết thế giới hiện đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính cấp bách và LHQ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng và thách thức toàn cầu này.

Trong chuyến thăm Senegal vào đầu tháng 5, ông Guterres từng nói rằng xung đột Nga-Ukraine đã có tác động rất lớn đến nền kinh tế của các nước đang phát triển, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính trên khắp châu Phi.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Nga hiện là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine là nước xuất khẩu đứng thứ 5. Hai quốc gia này cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.

Các chuyên gia dự báo rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể khiến sản lượng ngũ cốc của Ukraine giảm hơn 50%.

Nga là nước sản xuất phân bón hàng đầu thế giới với sản lượng chiếm 13% tổng  sản lượng trên toàn cầu. Việc xuất khẩu phân bón của Nga đã bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến giá phân bón trên thế giới tăng vọt. Nhiều nông dân tại các nước nông nghiệp lớn như Brazil và Mỹ buộc phải cắt giảm lượng phân bón sử dụng cho cây trồng, điều này có thể gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng thu hoạch trong tương lai.

Bình luận