Hôm 30/10, hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết, các đại sứ nước này đã đến thăm và “từ biệt” các nhà lãnh đạo Angola và Uganda vào tuần trước. Truyền thông địa phương ở cả hai nước châu Phi cũng đưa tin về việc đại sứ quán Triều Tiên ở đó đóng cửa.
Angola và Uganda đều đã thiết lập mối quan hệ thân thiện với Triều Tiên từ những năm 1970, duy trì hợp tác quân sự và cung cấp các nguồn ngoại tệ quý hiếm cho các dự án xây dựng tượng.
Chad O'Carroll - người sáng lập trang web chuyên về Triều Tiên NK Pro cho biết vào ngày 1/11, khoảng hơn 10 đại sứ quán Triều Tiên có thể đóng cửa. Nguyên nhân có thể do các lệnh trừng phạt quốc tế, xu hướng Bình Nhưỡng rút lui khỏi toàn cầu và khả năng nền kinh tế Triều Tiên suy yếu.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 31/10 nhận định, việc Triều Tiên đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao gần đây là dấu hiệu cho thấy quốc gia này đang gặp khó khăn trong việc kiếm tiền ở nước ngoài vì các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bộ Thống nhất Seoul, nơi xử lý các vấn đề liên Triều cho biết, việc đóng cửa các đại sứ quán cũng phản ánh tác động của các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm hạn chế nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Bộ này cho biết: “Họ dường như đang rút lui vì hoạt động kinh doanh thu ngoại tệ gặp khó khăn do cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt, khiến việc duy trì các đại sứ quán trở nên khó khăn hơn. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình hình kinh tế khó khăn của Triều Tiên, quốc gia khó có thể duy trì quan hệ ngoại giao dù chỉ ở mức tối thiểu với các quốc gia có truyền thống thân thiện”.
Triều Tiên có quan hệ chính thức với 159 quốc gia nhưng có 53 cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, bao gồm 3 lãnh sự quán và 3 văn phòng đại diện, cho đến khi nước này rút khỏi Angola và Uganda.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, Triều Tiên cũng sẽ đóng cửa đại sứ quán ở Tây Ban Nha và phái đoàn ở Ý xử lý các vấn đề ở quốc gia láng giềng này.