Trung Quốc sẽ ra sao khi bị 32 nước hủy bỏ những ưu đãi thương mại từ ngày 1/12?

(VOH) - Kể từ ngày 1/12, 32 quốc gia sẽ chính thức hủy bỏ những ưu đãi thương mại đối với cho Trung Quốc.

Các quốc gia này bao gồm 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein.  

Một số chuyên gia cho rằng động thái trên cho thấy các nước phương Tây đang nỗ lực chống lại những chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc, và điều này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với những áp lực lớn hơn khi phải chuyển hướng sang quốc nội và đối phó với đại dịch Covid-19.

trung-quoc-se-ra-sao-khi-32-nuoc-huy-bo-nhung-uu-dai-thuong-mai-danh-cho-nuoc-nay-tu-ngay-1-12-voh.com.vn-anh1
Các container hàng hóa tại một cảng biển ở Thanh Đảo, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Theo thông báo ngày 28/10 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kể từ ngày 1/12 tới, hải quan nước này sẽ không còn cấp giấy chứng nhận ưu đãi thuế quan GSP (Generalized System of Preferences - Hệ thống ưu đãi phổ cập) cho hàng hóa xuất sang các quốc gia trên do những nước này không còn áp dụng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.  

Phía Trung Quốc nói rằng việc nước này 'tốt nghiệp' từ chương trình GSP của nhiều quốc gia chứng tỏ hàng hóa của họ có một mức độ cạnh tranh nhất định.  

GSP là hệ thống thuế quan ưu đãi của các nước phát triển dành cho các mặt hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển bằng cách giảm hoặc miễn thuế.  

GSP khác với quy chế tối huệ quốc (Most Favoured Nation, viết tắt là MFN). MFN là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế, theo đó các bên tham gia trong quan hệ kinh tế - thương mại dành cho nhau những điều kiện ưu đãi không kém hơn những điều kiện ưu đãi mà mình dành cho các nước khác. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).  

32 quốc gia hủy bỏ ưu đãi thương mại đối với Trung Quốc là điều đương nhiên!

Giáo sư khoa Kinh tế tại Đại học Đài Loan Lâm Hướng Khải cho rằng việc các nước hủy bỏ ưu đãi thương mại đối với Trung Quốc là điều đương nhiên vì những năm qua nước này luôn tự hào về sự trỗi dậy của mình như một cường quốc.  

Do đó, sức mạnh kinh tế và công nghiệp của Trung Quốc đã khiến các nước phương Tây nhận thấy rằng không cần thiết dành cho Trung Quốc quy chế tối huệ quốc nữa.  

Hơn nữa, hàng hóa của Trung Quốc đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường, không còn cần sự bảo vệ như trước đây.

Ông Lâm Hướng Khải cho rằng, bằng việc hủy bỏ những ưu đãi thương mại, các nước phương Tây đang muốn gửi lời cảnh báo đến Trung Quốc, rằng nước này đang phá hoại sự công bằng của thương mại thế giới.  

Ông Hoa Giai Chính tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan nói rằng những chính sách mà các quốc gia trên áp dụng dựa trên nguyên tắc thương mại công bằng.  

Ông cho biết, ban đầu các nước phương Tây dành sự ưu đãi cho Trung Quốc với mong muốn nước này sẽ tuân thủ sự cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế sau khi kinh tế của họ phát triển.

Nhưng giờ đây các nước phương Tây đã phát hiện ra rằng Trung Quốc vẫn đang chơi trò cạnh tranh thương mại không công bằng, cộng với đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu càng làm gia tăng sự không tin tưởng của các nước đối với Trung Quốc.  

Vì vậy, các nước bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề tin cậy lẫn nhau cũng như vấn đề đối tác thương mại đáng tin cậy và chuỗi cung ứng đáng tin cậy. Cũng chính vì thế, họ mới có chung động thái như trên.  

Nhà kinh tế học Đài Loan Ngô Gia Long càng thẳng thắng hơn khi nói rằng việc các nước phương Tây đồng loạt hủy bỏ những ưu đãi thương mại dành cho Trung Quốc là để kiềm hãm nước này.  

Ông nói, thực tế đã cho thấy Trung Quốc không thể giải quyết các vấn đề như đàm phán thương mại, sự mất cân bằng trong thương mại và vấn đề khí hậu.

"Không thể bàn bạc, cũng không 'choảng nhau', thì (tôi) sẽ vây hãm bạn", ông Ngô Gia Long nói thêm.  

Năm 2018, chính phủ Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ trong một thời gian dài, nên đã áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này.  

Đáp lại, Trung Quốc cũng đã áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Kể từ đó, quy chế tối huệ quốc của cả hai bên đã bị phá vỡ.  

Theo thông tin từ hải quan Trung Quốc, kể từ khi hệ thống GSP được áp dụng vào năm 1978 đến nay, Trung Quốc đã nhận được những ưu đãi thuế quan từ 40 quốc gia.  

Kể từ ngày 1/12 tới, Trung Quốc sẽ chỉ còn nhận được ưu đãi thuế quan từ 3 nước Na Uy, New Zealand và Australia.  

Kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi không còn được ưu đãi thương mại?

Ông Lâm Hướng Khải cho rằng việc các nước đồng loạt hủy bỏ ưu đãi thương mại dành cho Trung Quốc sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này mà chỉ khiến nước này kiếm được ít tiền hơn.  

Theo ông, tương lai của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tùy thuộc vào kết quả của quá trình chuyển đổi kinh tế của nước này.

Trước đây, Trung Quốc luôn đề cập đến việc đẩy mạnh phát triển nhu cầu trong nước chứ không phải xuất khẩu, vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn và có dân số đông. Nền kinh tế nước này đang chuyển từ định hướng xuất khẩu sang định hướng nhu cầu trong nước.  

"Nếu tốc độ chuyển đổi không đủ nhanh, sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định; nếu chuyển đổi thành công, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ vượt qua rào cản này", ông Lâm Hướng Khải nhật định.  

Ông Hoa Giai Chính cũng cho rằng: "Trong ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc khó có thể sụp đổ". Ông nói Trung Quốc hy vọng nền kinh tế nước này sẽ có thể "hạ cánh mềm", vì thế họ luôn mở rộng nhu cầu trong nước và thúc đẩy kinh tế lưu thông nội bộ.  

Vài năm trở lại đây, những đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng ít đi.  

Ông Ngô Gia Long cho rằng vấn đề mấu chốt nằm ở cơn đại dịch Covid-19. Trong ngắn hạn, kinh tế Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng. Do hiệu ứng di dời nhà máy gây ra bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất của nước ngoài được chuyển đến Trung Quốc nên việc xuất khẩu của Trung Quốc vẫn khá tốt, và hiệu ứng trên sẽ không mất đi một cách nhanh chóng.  

Thời kỳ hậu Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu có phát triển theo hướng "thoát Trung"?

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từng gây ra làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu.  

Ông Hoa Giai Chính đã phân tích về tình hình chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu ở Trung Quốc và cho rằng chuỗi cung ứng công nghiệp không phải muốn rút là có thể rút được ngay. Vả lại, tình hình các doanh nghiệp ở các nước cũng khác nhau.  

Ông cho biết, các doanh nghiệp Đài Loan có thời gian đầu tư khá lâu tại Trung Quốc có thể sẽ chuyển những khoản đầu tư mới về lại Đài Loan hoặc chuyển sang các nước khác, nhưng họ sẽ không rời bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc.  

Ông cũng nhận thấy rằng các công ty Nhật Bản cũng như thế. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một số chính sách ưu đãi để khuyến khích các công ty nước này quay trở lại Nhật Bản, nhưng cũng không có nhiều công ty rời khỏi Trung Quốc, vì chuỗi cung ứng liên quan đến các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn cũng như nhân sự tại địa phương…, không phải muốn tìm người thay thế là có thể tìm được ngay.

"Bạn đầu tư càng nhiều và thời gian đầu tư càng lâu, bạn càng không dễ rời đi", ông Hoa Giai Chính nói.