Chờ...

Trung Quốc thông qua đạo luật chống lệnh trừng phạt của nước ngoài

(VOH) - Ngày 10/6, Trung Quốc đã thông qua đạo luật nhằm chống lại các lệnh trừng phạt từ nước ngoài, trong bối cảnh nước này đang chịu sức ép về một loạt vấn đề từ phía Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo kênh truyền hình quốc gia CCTV, đạo luật chống trừng phạt nước ngoài được thông qua tại phiên bế mạc Kỳ họp Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) của Trung Quốc vào ngày 10/6. Tuy nhiên chi tiết về đạo luật hiện chưa được công bố.

Theo các chuyên gia, đạo luật vừa thông qua là công cụ pháp lý mới nhất, mạnh nhất và có phạm vi áp dụng lớn nhất của Trung Quốc trong việc chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài, đồng thời là nền tảng cho việc hợp pháp hóa các biện pháp trả đũa của Trung Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, các công ty nước ngoài cũng lo ngại các vấn đề xung quanh việc thiếu minh bạch pháp lý và các tác động tiềm tàng của đạo luật này sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn kinh doanh và đầu tư của họ ở Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc đang chịu sức ép từ Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) về một loạt vấn đề như công nghệ, thương mại và cả các vấn đề về Hong Kong, Tân Cương.

Trung Quốc thông qua đạo luật chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh ngày 4/3/2021. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái đã kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng các hình thức pháp lý để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của nước này trước cộng đồng quốc tế.

Tháng 3/2021, trong báo cáo thường niên của Quốc hội Trung Quốc có đoạn nước này muốn “nâng cấp hệ thống công cụ pháp lý” để đối phó với các rủi ro từ các lệnh trừng phạt và can thiệp của nước ngoài.  

Hồi tháng 1, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành quy định yêu cầu các công ty nước này báo cáo về việc các hạn chế của nước ngoài đối với các hoạt động kinh doanh và thương mại liệu có hợp lý hay không, đồng thời cho phép các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc có thể kiện đòi bồi thường nếu không thỏa đáng.

Mỹ và các nước đồng minh đã tăng cường các lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc, nhằm thể hiện sự quan ngại về cách thức Trung Quốc xử lý các vấn đề về cộng đồng người thiểu số ở Tân Cương và các hoạt động dân chủ ở Hong Kong. Đáp lại, Trung Quốc cũng đã thực thi nhiều biện pháp trả đũa nhắm vào các quan chức và chính trị gia ở Mỹ và EU.

Bên cạnh đó, chính quyền Washington cũng đưa các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE vào danh sách công ty vi phạm quy định về lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Triều Tiên.

Trong 2 phiên họp vào đầu tháng 3, một số đại biểu Quốc hội và Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính hiệp) cho rằng, việc hình thành một đạo luật riêng nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt nước ngoài nhằm vào Trung Quốc là yêu cầu cần thiết.

Sau đó, một dự luật đã được đưa ra xem xét lần đầu tiên vào tháng 4 và gấp rút thông qua vào hôm nay ngày 10/6 - chỉ hai ngày sau khi lần xem xét thứ hai được công bố và cũng bỏ qua lần xem xét thứ ba theo quy định như khi ban hành các đạo luật khác.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCharm) cho biết các quốc gia thành viên đang lo ngại về tính thiếu minh bạch trong việc thông qua đạo luật chống trừng phạt nước ngoài lần này của quốc gia tỷ dân.

“Trung Quốc có vẻ như đang vội vàng. Những động thái như vậy không có lợi đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài hoặc trấn an các công ty, nhất là trong bối cảnh những công ty này cảm thấy họ giống như những quân cờ trong ván cờ chính trị”, ông Joerg Wuttke - chủ tịch EuroCharm nhận định.