Chờ...

Đàm phán Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng vì Huawei

(VOH) - Đầu tuần này, Mỹ vừa chính thức buộc tội Giám đốc tài chính Huawei - bà Mạnh Vãn Chu vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Trong bối cảnh Mỹ-Trung bắt đầu nối lại các cuộc đàm phán thương mại, động thái này được cho là đòn “gây sức ép” của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Bài của 

Hôm thứ 2, Mỹ đã công bố 13 cáo buộc đối với bà Mạnh Vãn Chu và Tập đoàn Huawei, trong đó có cáo buộc gian lận ngân hàng, lừa dối giới chức Mỹ về mối quan hệ với 2 công ty con của Huawei để làm ăn với Iran. Mỹ cùng đồng thời đưa ra yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu vào ngày 30/1 và ấn định một phiên điều trần với sự hiện diện của bà Mạnh Vãn Chu vào ngày 6/2 sắp tới.

Huawei,  Mỹ-Trung, Mạnh Vãn Chu

Bà Mạnh Vãn Chu là Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó Chủ tịch Huawei. Ảnh: Warior trading news

Việc Mỹ đưa ra các cáo buộc nhằm vào Huawei ở thời điểm đàm phán Mỹ-Trung chính thức bắt đầu khiến người ta phải đặt câu hỏi: vì sao? Có nhiều lý do giải thích cho hành động này. Thứ nhất, với động thái này Mỹ một lần nữa khẳng định sẽ không nhượng bộ Trung Quốc trong vụ việc Huawei, nên “Trung Quốc đừng tốn công vô ích”. Thứ hai, Mỹ muốn gây sức ép với Trung Quốc “trước giờ G”, khi đúng ngày 30/1, đàm phán thương mại Mỹ-Trung chính thức bắt đầu. Đây được cho là một mũi tên “trúng hai đích” nhằm răn đe Trung Quốc “đừng cố áp đặt các luật chơi thương mại” với Mỹ. Dễ hiểu vì sao, Mỹ không “vô tình” đưa ra các cáo buộc chính thức đối với Huawei ở thời điểm hiện nay.

Trên thực tế, Trung Quốc từ nhiều thập kỷ nay luôn là đối tác và bạn hàng lớn nhất của Mỹ và châu Âu. Vì thế, trong bối cảnh nhiều quốc gia đầu tầu của EU, dù “không thật thoải mái” với các chính sách và tham vọng của Trung Quốc nhưng vẫn lựa chọn cách tiếp cận khôn ngoan là im lặng và thỏa hiệp, thì Mỹ lại có những tính toán khác. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump luôn đề cao các lợi ích của nước Mỹ, nên tham vọng của Trung Quốc với chiến lược “vượt qua Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới”, là điều Tổng thống Trump khó có thể chấp nhận. 

Kể từ khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada ngày 1/12 năm ngoái, dư luận vẫn chưa thấy sự rõ ràng trong cách tiếp cận của Mỹ trong giải quyết vụ việc này, liệu Mỹ có yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu hay không, liệu Mỹ có vì sức ép hoặc những yêu cầu trao đổi của phía Trung Quốc mà “nhẹ tay” trong vụ việc của Huawei hay không.  Việc Mỹ công bố 13 cáo buộc đối với bà Mạnh Vãn Chu và Tập đoàn Huawei hôm thứ 2, cho thấy thái độ dứt khoát không nhân nhượng của Mỹ. 

Các cáo buộc đối với Tập đoàn Huawei và bà Mạnh Vãn Chu được phía Mỹ đưa ra đúng hai ngày trước khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vòng đàm phán mới tại Washington nhằm tìm kiếm một thỏa thuận trước ngày 1/3 – thời điểm kết thúc thời gian “đình chiến tạm thời” giữa hai bên trước khi Mỹ quyết định có tăng thuế từ 10% lên 25% với khối lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc hay không. Phái đoàn của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, trong khi đó phía Mỹ là những cái tên như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính, Đại diện Thương mại Mỹ và  cố vấn Nhà Trắng. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh bước đi của Mỹ là hành động thực thi pháp luật và hoàn toàn tách biệt với các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các cáo buộc mà Mỹ nhằm vào Huawei vào thời điểm này – dù cách này hay cách khác – cũng sẽ tác động đến cuộc đàm phán bắt đầu vào hôm 30/1.

Dù vậy, những bước đi của Mỹ có thể gây “tác dụng ngược” khi Trung Quốc cũng đang duy trì quan điểm rất cứng rắn trong vụ việc của Tập đoàn Huawei, thể hiện rõ nét qua việc áp dụng án tử hình đối với một công dân Canada bị buộc tội buôn lậu ma túy sau một phiên xét xử vội vã. Trong ngày mà Mỹ đưa ra cáo buộc nhằm vào Huawei và bà Mạnh Vãn Chu, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Trương Minh cũng tuyên bố Huawei là nạn nhân của sự "vu khống", đồng thời cáo buộc chính phủ các nước phương Tây đang tìm cách ngăn cản nỗ lực của tập đoàn viễn thông này triển khai công nghệ trên khắp thế giới, đi ngược tinh thần cạnh tranh công bằng và tự do trong lĩnh vực thương mại. Bởi vậy, các nhà quan sát lo ngại những cáo buộc mà Mỹ đưa ra ở thời điểm này có thể nới rộng khoảng cách giữa các nhà đàm phán của hai bên, và đây thật sự là điều đáng tiếc sau khi các bên đã đạt được một số tiến triển trong các vòng đàm phán trước đó, mở ra cơ hội về việc Mỹ sẽ không tăng thuế với 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/3. 

Trước khi Mỹ cáo buộc một loạt tội doanh với Tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Chu và hai công ty con của tập đoàn này, các chuyên gia kinh tế đã có những dự báo khá lạc quan về vòng đàm phán thương mại hôm 30/1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Kịch bản tốt nhất được dự đoán đoàn đàm phán Trung Quốc có thể mang đến Mỹ những cam kết về mở cửa thị trường nhiều hơn cho các doanh nghiệp Mỹ, mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ và giảm bớt sự can thiệp của nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc – những cam kết đủ để làm vừa lòng trưởng đoàn đàm phán theo trường phái “diều hâu” ông Lighthizer bên phía Mỹ, đủ để phía Mỹ đặt bút ký vào một thỏa thuận về nguyên tắc dừng việc đánh thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng với những diễn biến mới vừa nêu, khả năng xảy ra kịch bản tốt nhất này không còn nhiều như trước, thay vào đó là hai khả năng: đàm phán dậm chân tại chỗ hoặc là đổ vỡ. Nhiều khả năng vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ kết thúc với một tuyên bố chung chung và lời hứa hẹn sẽ có thêm những vòng đàm phán nữa. Đó cũng sẽ là “dư địa” để hai bên cân nhắc các biện pháp tiếp theo với vụ việc của Huawei, trước khi hai bên đưa ra quyết định chính thức dừng cuộc chiến thương mại vốn sẽ gây tổn hại cho cả  hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không. 

Rõ ràng, việc Mỹ chính thức cáo buộc tập đoàn Huawei là một cảnh báo nhằm vào Trung Quốc trước giờ “G”, đó là: Trung Quốc phải tuân thủ theo các quy tắc thương mại toàn cầu và tuân thủ luật pháp quốc tế, cho dù Trung Quốc có là một “ông lớn”.