Chờ...

Úc cung cấp nơi trú ẩn cho công dân Tuvalu do nước biển dâng cao

VOH - Công dân của Tuvalu bị đe dọa bởi khí hậu sẽ được quyền sống ở Australia theo một hiệp ước mang tính bước ngoặt được công bố hôm 11/10.

Thủ tướng Tuvalu Kausea Natano và Thủ tướng Australia Anthony Albanese vừa ký một hiệp ước giúp 11.000 cư dân Tuvalu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tìm nơi trú ẩn nếu nước biển dâng cao.

Tuvalu là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới do mực nước biển dâng cao.

2 trong số 9 hòn đảo san hô của Tuvalu phần lớn đã biến mất dưới sóng biển và các nhà khoa học khí hậu lo ngại toàn bộ quần đảo này sẽ không thể ở được trong vòng 80 năm tới.

tuvalu
Mây bão di chuyển qua các ngôi nhà ở phía bắc Sydney vào ngày 9/11 - Ảnh: AFP

Thủ tướng Natano cho biết, thỏa thuận này là "ngọn hải đăng hy vọng" cho quốc gia đang gặp khó khăn của ông và là một lời đề nghị hỗ trợ "đã chạm đến trái tim chúng tôi sâu sắc".

Theo hiệp ước, công dân Tuvalu sẽ có thể “sống, học tập và làm việc tại Australia” và được tiếp cận với “giáo dục, y tế, thu nhập chính của Australia và hỗ trợ gia đình khi đến nơi”.

Để tránh tình trạng "chảy máu chất xám", số người Tuvalu có thể di chuyển đến Australia ban đầu sẽ bị giới hạn ở mức 280 người mỗi năm.

Theo thỏa thuận được công bố hôm 10/11, Australia cũng cam kết chi 16 triệu đô la Úc (10 triệu đô la Mỹ) để củng cố các bờ biển đang bị thu hẹp của nước này và cải tạo đất đã mất.

Trong Hiệp ước, Australia cũng cam kết bảo vệ Tuvalu trước thảm họa thiên nhiên, đại dịch y tế và “sự xâm lược quân sự”.

Chuyên gia về luật tị nạn Jane McAdam mô tả hiệp ước này là “đột phá”.

Giáo sư Đại học New South Wales nói với AFP: “Đây là thỏa thuận đầu tiên giải quyết cụ thể vấn đề di chuyển liên quan đến khí hậu”.

Ông Albanese cho biết, Australia có thể sẵn sàng đưa ra các thỏa thuận tương tự cho các nước láng giềng Thái Bình Dương.

Hiệp ước này có thể được coi là một chiến thắng chiến lược quan trọng đối với Australia - quốc gia đang cạnh tranh với Trung Quốc để củng cố ảnh hưởng của mình ở khu vực Thái Bình Dương.

Australia trước đó đã bị sốc khi quần đảo Solomon láng giềng ký hiệp ước quốc phòng với Bắc Kinh, cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng trên quần đảo.

New Zealand trước đó cũng đã đưa ra ý tưởng cấp cho các quốc đảo Thái Bình Dương một "visa khí hậu" – tương tự như Úc, nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ trong bối cảnh các hòn đảo phản đối vì lo ngại tình trạng di cư kinh tế ồ ạt.