Từ ngày 10/10 đến nay, Nga đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các nhà máy năng lượng và một số thành phố của Ukraine, có sử dụng các thiết bị bay không người lái (UAV) cảm tử mà phía Kiev xác định là mẫu UAV Shahed-136 do Iran sản xuất.
Iran phủ nhận việc cung cấp các UAV này cho Nga, và Điện Kremlin cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng quân đội Nga đã sử dụng UAV tấn công Ukraine. Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức cấp cao Iran cho biết nước này đã cam kết cung cấp cho Nga tên lửa đất đối đất và nhiều thiết bị bay không người lái khác.
Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine, Yuriy Ihnat, cho biết năng lực phòng không của Ukraine có khả năng chống lại UAV, nhưng đối với tên lửa thì chưa đạt hiệu quả.
“Trong 2 tuần qua, Ukraine đã tiêu diệt 85% số UAV của đối phương. Chúng ta đã nhận diện các thiết bị này tốt hơn và bắn hạ chúng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ tên lửa của Ukraine không hiệu quả để chống lại tên lửa đạn đạo. Iran dường như sẽ cung cấp những vũ khí này (cho Nga), trừ khi thế giới tìm cách ngăn chặn điều này xảy ra”, ông Ihnat nói.
Phía Mỹ cũng bác bỏ lập luận của Iran, đồng thời khẳng định nhiều huấn luyện viên quân sự của Iran đang có mặt ở Crimea để hỗ trợ quân đội Nga sử dụng các máy bay không người lái.
Trước đó, Ukraine đã được một số nước phương Tây chuyển giao các hệ thống phòng không tân tiến để đối phó với các cuộc không kích từ Nga, trong đó có hệ thống phòng không IRIS-T hiện đại nhất của Đức.
IRIS-T là hệ thống phòng thủ đất đối không có tầm bắn xa tối đa 40km, cao tối đa 20km, được kỳ vọng nâng cao đáng kể năng lực phòng không của Ukraine trước Nga.
IRIS-T bao gồm hệ thống tên lửa lắp trên xe tải có radar đa năng, có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu đồng thời và được thiết kế để đánh chặn máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tên lửa hành trình, pháo phản lực, máy bay không người lái, tên lửa chống radar và bom.
Theo Reuters, việc chuyển giao hệ thống IRIS-T đánh dấu một trong những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Đức.