Chờ...

Vì sao Liên Hợp Quốc đến lúc cần cải tổ?

VOH - Liên Hợp Quốc có 3 trụ cột chính, là phát triển bền vững, hòa bình – an ninh và nhân quyền.

Khi thông qua “Tầm nhìn 2030” vào năm 2015, các lãnh đạo trên thế giới khẳng định, phát triển bền vững không thể đạt được nếu chưa có hòa bình. Các lãnh đạo cũng công nhận tầm quan trọng của việc đạt được hòa bình – phát triển, thông qua xây dựng những thể chế pháp quyền, để mọi người dân có quyền tiếp cận công lý.

c_LHQ
Nhiều ý kiến đang kêu gọi cải tổ LIên Hợp Quốc - Ảnh: Carnegie Endowment

Ngày nay, tất cả đều nhìn thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hòa bình và phát triển. Xung đột tại nhiều nơi, đã cản trở quá trình đạt được tầm nhìn 2030. Như cuộc chiến Ukraine tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia, nhất là những nước nhập lương thực. Cuộc chiến Gaza thì làm xáo trộn lớn tại Trung Đông. Những cuộc khủng hoảng này, làm suy yếu sự sẵn sàng của thành viên Liên Hợp Quốc với hợp tác đa phương. Đây là thách thức lớn, nhất là theo hiến chương Liên Hợp Quốc thì mục đích đầu tiên là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Theo chuyên gia David Donoghue viết trên Al Jazeera, tổ chức này có vẻ lỗi thời. Các quy định từ 1945 không còn phù hợp, thường bị cạnh tranh giữa những cường quốc làm cho tê liệt.

Đây cũng là chủ đề của hội nghị sắp tới ở New York, từ ngày 22 đến 23/9.

Chưa bao giờ việc tái định hình Liên Hợp Quốc, để tạo thêm không gian cho đối thoại, đàm phán và thỏa hiệp, lại cấp thiết như hiện nay.

Chuyên gia Donoghue khẳng định, các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết, phản án 1 trật tự đã lỗi thời. Ví dụ 2/3 hoạt động của Liên Hợp Quốc là liên quan đến châu Phi, nhưng lục địa đen không có thành viên thường trực nào.

Một số nước như Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Đức lập luận, kinh tế lẫn tầm ảnh hưởng của họ lớn hơn nhiều một số thành viên thường trực.

Mọi quốc gia đều cần liên kết với nhau, để xử lý đe dọa, tiến bộ xã hội, phát triển bền vững hoặc chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên Liên Hợp Quốc đang mắc kẹt trong tư duy phủ quyết. Đạt được sự đồng thuận của mọi thành viên thường trực, đã hạn chế khả năng hành động, giảm hiệu quả trong việc đối phó nhiều thách thức mới lẫn cũ.

Thành viên thường trực thường phủ quyết, nếu liên quan đến lợi ích chính họ. Nga thường phủ quyết vấn đề về Ukraine hoặc Syria. Trung Quốc phủ quyết về Đài Loan. Hoa Kỳ phủ quyết về Israel.

Pháp từng đưa ra sáng kiến, là hạn chế quyền phủ quyết nếu liên quan đến nhân đạo. Tuy nhiên cũng chưa nhận được sự ủng hộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hội đồng Bảo an phải đại diện rộng hơn. Thừa nhận vai trò của các cường quốc mới nổi. Nhấn mạnh nhiều hơn vào sự tham gia của tập thể, để xây dựng chiến lược đối phó khủng hoảng, sẽ giảm sự thống trị mang tính chủ quan của Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.