Vì sao ông Tập Cận Bình ở trong nước suốt 21 tháng qua?

(VOH) - Đã 21 tháng qua kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa một lần rời khỏi đất nước, ông chỉ tham dự các hội nghị quốc tế thông qua hình thức trực tuyến.

Dự kiến các hoạt động ngoại giao của ông tại nước ngoài sẽ chưa được nối lại trong một thời gian gần.

Tờ Wall Street Journal mới đây đã đăng tải bài viết phân tích về những lý do khiến ông Tập Cận Bình không ra nước ngoài trong thời gian vừa qua.

Vì sao ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP)

Đại dịch Covid-19

Mặc dù nguyên thủ nhiều quốc gia khác đã vượt qua những khó khăn trong việc đối phó với Covid-19 và bắt đầu tham gia các cuộc họp quốc tế trực tiếp, nhưng sự tương tác qua lại giữa ông Tập Cận Bình với các nguyên thủ nước ngoài vẫn chỉ giới hạn ở các cuộc họp trực tuyến hoặc các cuộc trao đổi qua điện thoại.

Hiện phía Trung Quốc vẫn chưa có thông báo về việc liệu ông Tập Cận Bình có tham dự cuộc họp thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại Rome, Italia vào cuối tháng 10 hoặc ông có bỏ lỡ cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Scotland cũng vào cuối tháng này hay không, nhưng tờ Wall Street Journal cho rằng gần như có thể dự đoán trước ông Tập sẽ tham dự các cuộc họp này dưới hình thức trực tuyến chứ không đích thân đến dự trực tiếp.

China Vitae - một công ty phân tích chuyên theo dõi các hoạt động của giới lãnh đạo Trung Quốc, nói rằng đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động ngoại giao của ông Tập Cận Bình. Ông ấy từng tiếp đón 23 nhà lãnh đạo nước ngoài tại Bắc Kinh và công du đến 11 quốc gia vào năm 2019, bao gồm Brazil, Italia, Nga và Triều Tiên....

Chuyến thăm gần đây nhất của ông Tập là chuyến thăm tới Myanmar vào tháng 1/2020, sau đó ông đã tiếp Tổng thống Pakistan Arif Alvi tại Bắc Kinh vào tháng 3 cùng năm. Kể từ đó, ông Tập không có cuộc gặp trực tiếp với bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào.

Tờ Wall Street Journal cho rằng nếu ông Tập Cận Bình nối lại các chuyến thăm nước ngoài, ông ấy sẽ phải đối mặt với những tình huống khó khăn hơn. Trong khoảng thời gian dài ông ấy tự tách rời mình khỏi quốc tế, thế giới đã có nhiều thay đổi và Trung Quốc cũng vậy.

Ở trong nước, sự sùng bái cá nhân ngày càng lan rộng đã khiến hình ảnh của ông Tập Cận Bình được đẩy lên cao, chính vì thế mà những ưu tiên của ông đã được chuyển hướng sang những việc nội bộ ở trong nước. Trong khi đó, hình ảnh của ông Tập trên trường quốc tế không mấy tốt đẹp.

Một cuộc thăm dò mới đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew và Viện Gallup (Mỹ) thực hiện cho thấy mức độ tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc là khá thấp.

Dồn sức cho nhiệm kỳ tiếp theo

Tin cho hay, việc ở lại Trung Quốc giúp ông Tập Cận Bình tránh được những câu hỏi gây khó chịu mà các nguyên thủ nước ngoài có thể đặt ra với ông, chẳng hạn như cách xử lý dịch Covid-19 tồi tệ của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch cũng như các chính sách của Trung Quốc đối với Tân Cương, Hồng Công và Đài Loan… Ngoài ra, còn giúp ông tránh được các cuộc biểu tình phản đối ông trong các chuyến thăm nước ngoài.

Khi nền kinh tế Trung Quốc bị thu hẹp, ông Tập Cận Bình càng không có khả năng thổi phồng về sức mạnh đầu tư cũng như mong muốn nhập khẩu của mình, trong khi đây là những nội dung mà ông thường đề cập trong các bài phát biểu của mình trong các chuyến công du nước ngoài trước đây.

Các nhà phân tích cho biết kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay, chỉ có ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị là hai quan chức cấp cao duy nhất của Trung Quốc đặt chân ra nước ngoài. Họ đã có chuyến thăm tới Alaska, Mỹ vào tháng 3/2021 để hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.

Trong hoạt động chính trị tại Trung Quốc, các sự kiện trong nước thường quan trọng hơn các sự kiện quốc tế. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ông Tập Cận Bình là tranh thủ sự ủng hộ đầy đủ cho nhiệm kỳ thứ 3 của mình tại kỳ họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào sang năm.

Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques cho biết trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, tần suất các chuyến công du nước ngoài của ông Tập Cận Bình sẽ rất hạn chế.

Trong khi đó, các cuộc họp thượng đỉnh tại Rome và Glasgow vào cuối tháng 10 đều nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, và đây sẽ là chuyến công du thứ 2 của ông Biden tới châu Âu kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nối lại các chuyến công du của mình nhưng ông ​​sẽ không đích thân đến tham dự trực tiếp hai sự kiện trên.

Thận trọng!

Hầu hết lãnh đạo các nước G20 đều đã có những chuyến công du ra nước ngoài trong năm nay. Một số nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Argentina Alberto Fernández tuy vẫn chưa đặt chân ra nước ngoài nhưng họ dự kiến sẽ sang châu Âu tham dự các cuộc họp thượng đỉnh trên.

Không giống như ông Tập Cận Bình, hầu hết các nhà lãnh đạo khác thuộc G20 đều có tiếp đón các quan chức cấp cao nước ngoài trong năm nay.

Giới quan sát cho rằng việc ông Tập Cận Bình không đặt chân ra nước ngoài trong suốt 21 tháng qua cho thấy sự thận trọng cực độ của chính phủ Trung Quốc khi đối phó với đại dịch Covid-19.

Tờ The Times của Anh cho biết các nhà lãnh đạo từ hơn 100 quốc gia dự kiến ​​sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Israel Naftali Bennett...

Tin cho hay, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được thông báo rằng ông Tập Cận Bình sẽ không tham dự cuộc họp thượng đỉnh COP26 tổ chức tại nước này vào cuối tháng 10.

Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Các nhà tổ chức tại Anh lo lắng rằng quyết định không tham gia cuộc họp thượng đỉnh COP26 của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng có thể là màn dạo đầu cho việc Trung Quốc từ chối đưa ra các mục tiêu mới về biến đổi khí hậu.