Juve có thể bị LĐBĐ Italia cấm vì Super League
"Nếu dự án Super League trở thành hiện thực, Juventus sẽ bị loại khỏi giải Serie A", ông Gravina nói với La Repubblica. "Super League không phải là giải pháp cho những vấn đề hiện tại của bóng đá châu Âu. Bóng đá Italy phải suy nghĩ về cách cải thiện chất lượng của giải VĐQG và làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn".
Chủ tịch Juventus, Andrea Agnelli, là một trong ba nhà lãnh đạo kiên quyết nhất về ý tưởng tổ chức Super League. Sau khi Super League lần đầu được giới thiệu với công chúng vào năm ngoái, giải đấu này nhận nhiều phản đối từ UEFA, ban tổ chức các giải đấu quốc nội và đặc biệt là người hâm mộ bản địa.
Tuy nhiên, những nỗ lực từ ông Agnelli cùng Florentino Perez, chủ tịch Real Madrid, và Joan Laporta, chủ tịch Barca, khiến dự án Super League chưa bao giờ bị khai tử. Đầu tháng này, Gazzetta tiết lộ ba nhà lãnh đạo của Juventus, Barca và Real Madrid đưa ra đề xuất mới về Super League để thay thế Champions League.
Ông Gravina không phải lãnh đạo duy nhất của bóng đá châu Âu sẵn sàng trừng phạt các đội bóng muốn tiếp tục dự án Super League. Ngay sau khi truyền thông châu Âu tiết lộ tham vọng của ban lãnh đạo Barcelona, Juventus hay Real Madrid, Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin, phát biểu: "Có những người thành lập Super League mới đây thôi còn gọi điện xin lỗi tôi, nhưng giờ thì họ tái khởi động nó trong bối cảnh thế giới đang có chiến tranh".
Ông Ceferin cũng đe dọa UEFA có thể loại Juventus, Real Madrid hay Barcelona khỏi Champions League trong thời gian tới.
Tỷ phú Abramovich muốn mua CLB Thổ Nhĩ Kỳ
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ tỷ phú Roman Abramovich lên kế hoạch mua lại Goztepe, CLB đang chơi giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey Super League). Fanatik cho biết doanh nhân 55 tuổi đã có cuộc nói chuyện với Mehmet Sepil, chủ sở hữu hiện tại của Goztepe.
Vài tháng trước, ông Sepil thừa nhận khả năng bán lại đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tỷ phú Abramovich trong danh sách đối tác mua tiềm năng khiến chính ông Sepil và người hâm mộ bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ.
Goztepe đang lâm vào khó khăn ở mùa giải 2021/22. Đội bóng có tuổi đời 96 năm đứng trước nguy cơ rớt hạng Turkey Super League mùa này khi xếp thứ 18 sau 30 vòng. Người hâm mộ Goztepe kỳ vọng tỷ phú Abramovich có thể mua lại thành công CLB con cưng của họ. Trong lịch sử, Goztepe từng một lần vô địch Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1950. Đội bóng này cũng hai lần giành Cúp Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và một lần lọt vào tứ kết UEFA Cup Winners Cup (Cúp C2 châu Âu).
Giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Ba gã khổng lồ của giải đấu gồm Galatasaray, Besiktas và Fenerbahce đều chơi không tốt ở mùa giải năm nay. Fenerbahce vài tháng trước còn bị tố nợ lương cầu thủ.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia không áp lệnh trừng phạt vào Nga và giới tài phiệt nước này. Giới quan sát đánh giá tỷ phú Abramovich có thể chuyển hướng kinh doanh từ nhiều nước phương Tây sang Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới. Cuối tuần trước, siêu du thuyền sang trọng của tỷ phú Abramovich có tên Solaris cũng cập bến vùng biển Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Bạn thân của Mbappe bị cô lập tại PSG
RMC tiết lộ phòng thay đồ của đội bóng thủ đô Paris có sự chia rẽ lớn giữa các cầu thủ Nam Mỹ và nhóm ngôi sao nói tiếng Pháp. Achraf Hakimi nằm trong số những ngôi sao có mối quan hệ tốt với Mbappe và các cầu thủ Pháp bản địa.
Hậu vệ người Morocco được cho là không hài lòng với cách các cầu thủ Argentina hay Brazil bao che lẫn nhau sau mỗi kết quả kém. Chính vì thế, anh bị nhóm cầu thủ Nam Mỹ tẩy chay. Nhà báo Pháp Daniel Riolo thậm chí tiết lộ rằng Hakimi đang bị cô lập tại PSG: "Một trong những lý do giải thích cho hoàn cảnh của Hakimi hiện tại là 'băng đảng' Nam Mỹ tại PSG không còn nói chuyện với anh ta nữa. Mọi chuyện tệ đến mức cầu thủ này muốn rời PSG".
Nếu Mbappe rời PSG vào hè này, Hakimi cũng cân nhắc khả năng chia tay đội bóng Pháp. Hợp đồng hiện tại của hậu vệ 23 tuổi với PSG còn thời hạn đến tháng 6/2026. Ban lãnh đạo CLB nước Pháp muốn giữ chân Hakimi vì anh chơi tốt ở mùa giải năm nay. Tuy nhiên, PSG phải có cuộc cách mạng về lực lượng vào hè để cải thiện tình hình phòng thay đồ.
Trong quá khứ, phòng thay đồ PSG cũng từng bị chia rẽ giữa nhóm cầu thủ Brazil với phần còn lại. L'Equipe tiết lộ khi Dani Alves hay Thiago Silva còn thi đấu tại PSG, quyền lực của nhóm cầu thủ Brazil lớn đến mức họ có thể đưa ra yêu sách trực tiếp với ban lãnh đạo đội bóng.
Sau khi Alves và Silva rời đi, nhóm cầu thủ Argentina nắm quyền lực lớn hơn trong phòng thay đồ, đặc biệt kể từ khi HLV đồng hương với họ là Pochettino và Lionel Messi cập bến PSG.
Bale và Hazard trở thành gánh nặng của Real Madrid
Theo số liệu của L'Equipe, Pique nhận lương cao nhất tại La Liga hiện tại với mức 2,33 triệu euro/tháng. Xếp sau là Gareth Bale và Eden Hazard (2,27 triệu euro/tháng). Nhóm cầu thủ còn lại trong top 5 được trả lương cao ở La Liga còn có Sergio Busquets (1,91 triệu euro/tháng) và David Alaba, Antoine Griezmann (1,88 triệu euro/tháng).
"Los Blancos" đang chịu gánh nặng từ Bale và Hazard, 2 cầu thủ nhận lương cao nhất đội hình, nhưng lại có mức đóng góp thấp nhất. Mùa này, Bale chỉ chơi 5 trận và ghi một bàn cho Real Madrid. Tuyển thủ xứ Wales vẫn tập luyện bình thường cùng cả đội, nhưng không có cơ hội ra sân.
Ngay cả khi Real Madrid mất Karim Benzema trong trận El Clasico, Bale vẫn bị ngó lơ. Hazard cũng bị HLV Carlo Ancelotti gạt khỏi kế hoạch khi Vinicius Junior đang chơi quá hay ở vị trí tiền đạo trái. Mùa này, Hazard chơi 22 trận, ghi 1 bàn và có 2 kiến tạo.
Hợp đồng của Bale tại sân Bernabeu sẽ kết thúc sau khi mùa 2021/22 khép lại. "Los Blancos" chắc chắn để cựu sao Tottenham rời CLB để giải phóng quỹ lương. Trong khi đó, Real Madrid được cho là sẽ bán tháo Hazard để thu về một khoản tiền và giải phóng quỹ lương. Với Hazard, anh gia nhập CLB từ Chelsea với mức phí 115 triệu euro vào hè 2019. Sau gần 3 năm, Hazard chỉ chơi 65 trận, ghi 6 bàn và có 10 kiến tạo.
Hazard là cầu thủ đắt nhất lịch sử Real Madrid, và gần như là bản hợp đồng tệ nhất. Các chấn thương liên tiếp khiến tuyển thủ Bỉ dần đánh mất phong độ.
Nga biến lệnh cấm của FIFA và UEFA thành 'trò hề'
Ngày hôm nay (24/3), tờ CNBC đã đưa ra tin tức khiến giới mộ điệu bất ngờ. Theo đó, Nga đang cạnh tranh trực tiếp với Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ireland cho vị trí chủ nhà EURO năm 2028. Đáng nói, trong bối cảnh bị "cấm vận", đất nước xứ sở bạch dương vẫn ngang nhiên làm một điều liên quan trực tiếp tới những gì họ đang bị trừng phạt. Điều này chẳng khác gì nước Nga không coi FIFA và UEFA ra gì!
Theo các chuyên gia nhận định, Nga đã chuẩn bị nhiều kế hoạch để đưa thêm một ngày hội bóng đá về "đất mẹ" sau World Cup 2018 thành công rực rỡ. Ngoài ra, việc những bất ổn của Nga và Ukraine đang dần đi tới hồi kết sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả của cuộc đua tới vị trí chủ nhà EURO 2028.