Để giảm mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm

(VOH) - Không phải đợi đến dịp Tết thì người tiêu dùng mới quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Những ngày này, mối lo như được nhân lên vì lượng thực phẩm tiêu thụ tăng mạnh so với ngày thường.

Từ rau bẩn, hoa quả tồn dư chất bảo quản, thịt đông lạnh quá hạn sử dụng, thịt có chất cấm, lục phủ ngũ tạng gia súc phế phẩm… bị phát hiện trong thời gian qua cùng với tình trạng nông sản nhập khẩu cả theo đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch ở cửa khẩu các tỉnh biên giới khiến cho an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề được quan tâm.

Dù chưa yên tâm hoàn toàn nhưng siêu thị là nơi NTD chọn mua thực phẩm an toàn. Ảnh: PLTP

Tăng cường chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn

Theo bà Đặng Thị Phương Ninh, phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan rất khó để nhận biết chính xác đâu là thịt sạch, đâu là thịt không an toàn. Ngay tại các cửa hàng của Vissan, có người tiêu dùng chỉ muốn mua thịt nhiều mỡ nhất vì tin rằng ở phần thịt đó không có chất tạo nạc. Trong khi trên thực tế, không thể có chuyện trên cùng một con heo mà chỗ này có chất tạo nạc, chỗ khác lại không.

"Đến nay, thịt heo Vietgap ra thị trường đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng và cho thấy Vissan rất quan tâm đến việc đảm bảo thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Hiện có khoảng 50% sản lương thịt heo Vietgap trên tổng lượng heo của Vissan đưa ra thị trường, và chúng tôi tiến tới đến khoảng tháng 3/2016, thì 100% sản phẩm của mình sẽ đạt tiêu chuẩn Vietgap với nguồn đầu vào", bà Ninh cho hay.

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thực phẩm an toàn, TPHCM đã thiết lập mô hình chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tại 246 điểm bán và công bố đến người tiêu dùng. Các điểm bán này kinh doanh thịt heo, thịt gà, rau củ quả đạt tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap, HACCP,… Bên cạnh đó, các đơn vị phân phối trên địa bàn thành phố sẽ mời người tiêu dùng cùng tham gia kiểm soát, để đảm bảo các sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng là sản phẩm sạch.

Đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt

Song song với nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP cho biết, thời gian vừa qua, Chi cục tập trung lấy mẫu kiểm tra để giám sát nguồn heo từ các tỉnh nhập về các cơ sở giết mổ tại TPHCM, Chi cục đã kiểm tra tất cả là 235 lô heo từ các tỉnh chuyển về, phát hiện 31 lô phát hiện có chất cấm, chiếm tỷ lệ 14%. Để tập trung cho công tác kiểm tra tết, Chi cục có 9 đoàn kiểm tra phối hợp với Sở Y tế, Quản lý thị trường đi kiểm tra, trọng điểm là kiểm tra về tồn dư chất cấm trong chăn nuôi.

"Với các trường hợp tái phạm sẽ áp dụng biện pháp xử lý kiên quyết, đó là tiêu hủy. Còn các trường hợp vi phạm lần đầu thì sẽ tạm giữ lại cơ sở giết mổ từ 5 đến 7 ngày, chờ đến khi ra kết quả âm tính thì mới cho phép giết mổ, và áp dụng khung hình phạt ở mức cao nhất để có răn đe đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi", ông Phát nói.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Nguyễn Văn Đức Tiến cho biết Chi cục Bảo vệ thực vật cũng đã phối hợp với các ban quản lý chợ để kiểm soát đầu vào, tất cả các nguồn nông sản từ các tỉnh đưa vào thành phố. Cố gắng kiểm soát để loại bỏ những lô hàng có nguy cơ cao nhằm tránh gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, để giảm mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần xóa bỏ tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, thái độ của người tiêu dùng và cơ sở, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu mọi người tiêu dùng “nói không” với thực phẩm bẩn, tẩy chay các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín, chọn thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc; doanh nghiệp cung cấp sản phẩm chất lượng, thì chẳng những sức khỏe của người tiêu dùng được đảm bảo mà thực phẩm bẩn sẽ không còn chỗ nương thân.