Doanh nghiệp tại TPHCM tự tin bước vào "sân chơi" TPP

(VOH) - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết tại New Zealand là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa 12 nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, Hiệp định TTP chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Là trung tâm kinh tế cả nước TPHCM đang chuẩn bị gì để tham gia sân chơi mới?

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, chính thức ký kết TPP sẽ tạo ra những cơ hội mới giúp doanh nghiệp hội nhập sâu rộng vào thị trường nhiều quốc gia có thế mạnh để xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi.

Với thị trường 800 triệu dân, chiếm 40% GDP của thế giới, lưu lượng giao dịch hàng hóa chiếm 30% thương mại toàn cầu… TPP sẽ là "FTA" có tác động lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước trong tương lai gần.

Sản xuất ở một doanh nghiệp chế biến gỗ tư nhân - Ảnh: DNOL.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, khách hàng các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... đang có xu hướng chuyển qua đặt hàng thủ công mỹ nghệ từ các doanh nghiệp tại TPHCM thay vì đặt hàng từ Trung Quốc. Đó là một trong những tín hiệu khả quan, đồng thời tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp.

Ông  Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Mỹ nghệ Kim Bôi - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP cho rằng: “Có thể nói tại TP và cả nước các ngành có bước phát triển vượt bậc, cũng đang chiếm một ưu thế trên trường quốc tế. Chẳng hạn như ngành gỗ, nếu xét ở Đông Nam Á thì chúng ta đứng đầu, ở châu Á thì đứng thứ nhì còn thế giới chúng ta đứng thứ 6”.

Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn cho hay, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vừa ký kết, năm 2016 được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu và sự gia tăng mạnh về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội không nhỏ cho TP tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng, thu hút đầu tư mới và tăng trưởng toàn diện, nhất là những ngành như điện tử, nông nghiệp, sinh học, dược phẩm, dệt may thời trang, tài chính, ngân hàng...

Phát biểu tại hội thảo vừa diễn ra hồi tháng 3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Việt Nam khẳng định sau khi TPP được ký kết, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam là nước duy nhất có quan hệ thương mại tự do với tất cả các khu vực kinh tế, thị trường lớn trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam như là địa điểm, “cửa ngõ” để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường ASEAN, Hoa Kỳ, EU.

Nhà đầu tư mang các chuỗi sản xuất đến Việt Nam và kỳ vọng Việt Nam sẽ là một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện giờ, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang có lợi thế nắm bắt đón đầu cơ hội hơn các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ nắm bắt được các cơ hội cho riêng mình.  

Doanh nghiệp nỗ lực, nhà nước cởi mở chính sách

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp thì các ngành các cấp cần có các chính sách cởi mở, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Theo ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ ngành nhưng hỗ trợ chưa đúng và không sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Đơn cử, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhập khẩu máy móc, dây chuyền sản xuất được hưởng ưu đãi thuế 0%. Trong khi doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đóng thuế. Nguyên liệu sản xuất nhập khẩu về cũng phải chịu thuế... chưa tính đến yếu tố chất lượng, chỉ nói về giá thành thì sản phẩm nội địa không thể cạnh tranh lại sản phẩm ngoại nhập.

Do vậy, để cải thiện hiện trạng kém phát triển ngành cơ khí, trước mắt, Chính phủ cần điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu thép carbon dùng cho chế tạo máy là 0%. Về lâu dài, phải xây dựng chiến lược phát triển sản xuất thép carbon cao dùng cho chế tạo máy và các loại thép hợp kim. 

"Trước hết là phải tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Ở các quốc gia người ta tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh nhưng doanh nghiệp cơ khí thì đang bị áp lực ngược, cho nên trước mắt doanh nghiệp muốn tạo thế cân bằng, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa”, ông Đỗ Phước Tống nêu ý kiến.

Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển

Tại cuộc gặp với các doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch UBND TP - ông Nguyễn Thành Phong cho hay, TP sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển, nhất là trong bối cảnh nước ta đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới.

“Chúng ta trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới. Như vậy tư thế và lộ trình chuẩn bị tham gia vào TPP, các hiệp định thương mại thế hệ mới như thế nào thì từng doanh nghiệp phải có. Chúng tôi cam kết sẽ hết sức chăm lo việc này nếu không chúng ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu của quá trình, lộ trình hội nhập và thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới”, ông Phong nói.

Cơ hội từ TPP và các hiệp định thương mại tự nó không biến thành lợi ích mà tùy thuộc vào việc doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội hay không. Bản thân cơ hội cũng phân chia không đều, doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị tốt sẽ thu được nhiều thuận lợi và cơ hội cũng luôn đi kèm thách thức. So với doanh nghiệp địa phương khác thì doanh nghiệp TPHCM có quy mô và năng lực, họ biết sẽ phải trang bị những gì để tiến vào sân chơi lớn hơn.