Dự án thế chấp, chủ đầu tư có thể bán huy động vốn

(VOH) – Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM vừa khiến xã hội xôn xao khi công bố danh sách 77 dự án tại thành phố, được chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng. VOH trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP – ông Lê Hoàng Châu về vấn đề này.

Rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước như: Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty CP Tập đoàn SSG, Công ty Liên doanh TNHH Capitaland - Vista… đều nằm trong danh sách này. Động thái công bố này được thực hiện theo yêu cầu tại 2 Công văn của Văn phòng UBND TPHCM, về việc rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn. 

Đây là lần đầu tiên 1 địa phương công bố danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng, do đó cũng gây nên nhiều phản ứng trái chiều trên thị trường. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM. Ảnh:Bizlive 

VOH: Thông tin về nhiều dự án bất động sản trước khi bán cho khách hàng đã bị đem đi thế chấp ngân hàng khiến nhiều người lo sợ. Tuy nhiên, việc dự án được mang đi thế chấp ngân hàng không phải là chuyện lạ với doanh nghiệp. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Hoàng Châu: Mới đây Sở Tài nguyên Môi trường công bố thông tin về 77 dự án đang thế chấp ở ngân hàng, đây là việc làm cần thiết và tích cực vì nó góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch hơn. Thông tin này cũng có tác động tức thì đối với thị trường bất động sản vì nhiều người tiêu dùng băn khoăn không biết dự án đang thế chấp, chủ đầu tư có được huy động vốn của khách hàng, có được bán cho người tiêu dùng không và có phải là những doanh nghiệp đang có thế chấp là yếu, không có năng lực?

Hiệp hội bất động sản TP HCM có văn bản góp ý với Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cung cấp thông tin đầy đủ hơn. Bởi vì khi doanh nghiệp thế chấp một dự án để huy động vốn, để phát triển dự án đó là việc làm bình thường của doanh nghiệp. Theo quy định điều 147 Luật nhà ở,  năm 2014 thì chủ đầu tư có quyền đem dự án thế chấp ngân hàng để vay vốn phát triển chính dự án đó và nếu chủ đầu tư muốn bán sản phẩm trong dự án đang bị thế chấp thì phải thực hiện việc giải chấp ra khỏi tài sản thế chấp đi rồi mới được bán; trừ trường hợp là được ngân hàng nhận thế chấp đồng ý.

Như vậy, có nghĩa là dự án đang bị thế chấp, chủ đầu tư vẫn có thể bán huy động vốn khách hàng nếu được ngân hàng nhận thế chấp đồng ý bằng văn bản. Chủ đầu tư và ngân hàng sẽ có những ràng buộc với nhau như: số tiền thu được thì chủ đầu tư phải hoàn trả khoản vay tín dụng của ngân hàng để sau đó thực hiện việc giải chấp dự án ra khỏi tài sản thế chấp ở ngân hàng, sau đó cấp chủ quyền cho người mua nhà.

VOH: Hệ lụy chúng ta đang thấy là niềm tin của khách hàng bị đánh mất, ông nghĩ thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu: Tôi nghĩ điều này sẽ không làm mất niềm tin bởi trong hoạt động kinh doanh thì bất cứ ngành nghề nào, bất cứ doanh nghiệp nào cũng được quyền thế chấp tài sản của dự án để vay vốn sản xuất kinh doanh. Đó là việc làm bình thường của tất cả các doanh nghiệp. 

Phần lớn chủ đầu tư sau khi vay vốn đã sử dụng vốn đúng mục đích nhưng cũng có chủ đầu tư sử dụng vốn vay sai mục đích và không hoàn thành công trình để bàn giao cho khách hàng, đó là lỗi của số ít chủ đầu tư đã phạm phải trong thời gian qua.

Chúng ta cũng thấy rằng đa số ngân hàng cũng đều thực hiện tốt việc giám sát các chủ đầu tư trong việc sử dụng vốn đúng mục đích. Nhưng cá biệt cũng có chi nhánh ngân hàng không giám sát đầy đủ hoặc là dễ dãi hoặc thậm chí là móc nối với chủ đầu tư sử dụng vốn vay sai mục đích. Đó cũng là trách nhiệm của một vài chi nhánh ngân hàng.

Tuy nhiên, việc công bố các dự án thế chấp vừa qua, người tiêu dùng cũng chưa có điều kiện tiếp xúc đầy đủ các quy định của pháp luật nên bà con có băn khoăn, lo lắng, nên chúng tôi xin được khẳng định với bà con là những dự án được thế chấp thông thường là chỉ có những dự án minh bạch, rõ ràng, đầy đủ thủ tục pháp lý thì mới được thế chấp và những chủ đầu tư có khả năng thu hồi vốn thì mới được thế chấp, vay vốn thực hiện dự án, thậm chí có những doanh nghiệp rất mạnh.

Bà con mua nhà thuộc dự án đã bị thế chấp thì phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản thỏa thuận của ngân hàng đã được sao y, công chứng, để bà con biết rõ rằng dự án này đang thế chấp và được ngân hàng đồng ý bán cho người tiêu dùng, để sau này chúng ta có cơ sở bảo đảm quyền lợi của chính mình.

VOH: Riêng với việc công bố danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng của Sở Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội bất động sản TPHCM có kiến nghị thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu: Chúng tôi đề nghị: công bố là phải đủ các trường hợp thế chấp. Việc TP HCM có 584 dự án đang hoạt động mà trong đó công bố có 77 dự án, chỉ chiếm tỷ lệ hơn 13% thì chúng tôi e rằng việc công bố này chưa đầy đủ.

Thứ hai nữa là hàng tháng hay hàng quý Sở Tài nguyên Môi trường mới công bố thì tôi thấy không nên. Tôi nghĩ Sở nên cập nhật theo thời gian thực. Có nghĩa là khi có dự án thế chấp là công bố trên trang web của Sở tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai.

Công bố cập nhật luôn ngay khi việc thế chấp xảy ra hay giải chấp xảy ra thì việc cung cấp thông tin mới thật sự chủ động và đầy đủ cho người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp cũng cảm thấy bị thiệt thòi khi công bố thông tin không đầy đủ.

VOH: Xin cảm ơn ông!