Giá cả thị trường hôm nay 29/9/2021: Giá một số thực phẩm vẫn cao

(VOH) – Giá các loại rau, củ, thịt, trứng đã hạ nhiệt so với trước nhưng nhiều thực phẩm, nhu yếu phẩm giá vẫn cao.

So với tháng trước, giá thịt heo các loại đã giảm nhẹ, nhưng nếu so với đà giảm giá heo hơi đang diễn ra khắp nơi, mức giảm này là chưa tương xứng. Hiện trên các group bán hàng trực tuyến, các loại thịt heo như thịt đùi, thịt nạc giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg, sườn non, ba rọi rút sườn 200.000 - 220.000 đồng/kg. Người bán cho rằng khâu vận chuyển, phân phối đang phải chịu nhiều chi phí nên giá vẫn cao.

Sản phẩm giá tăng và thay đổi mỗi ngày thời gian qua phải kể đến là mì gói.

So với thời điểm tháng 7, giá các loại mì gói đều tăng 20.000 đồng/ thùng đến thậm chí gần 50.000 đồng/ thùng. Trên một group bán hàng phường 22 quận Bình Thạnh, một số người bán hàng cho biết giá thay đổi từng ngày nên bán ngày nào báo giá khách ngày đó.

Ngoài ra, người mua còn phải trả phí ship tính theo app trong cùng quận, mức thông thường là 30.000 – 40.000 đồng/ lần giao hàng.

Giá cả thị trường hôm nay 29/9/2021: Giá một số thực phẩm vẫn cao 1
Ảnh minh họa

Nhiều sản phẩm khan hàng sau thời gian giãn cách. Một số tiệm tạp hóa mở bán trở lại cho biết không mua được bao bì vì các cơ sở này chưa hoạt động trở lại. Tương tự, các sản phẩm giấy xi măng gói hàng, thùng carton, thùng xốp, nhãn mác…  hiện khan hàng vì nguồn cung từ các địa phương lên thành phố đang khá hạn chế.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 của thành phố tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 3,83% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 8,33%, trứng các loại tăng 7,38% …

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu đến tay người dân trên địa bàn. Các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối đã được đưa vào hoạt động. Sở cũng đã phối hợp UBDN TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai kế hoạch về cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu.

TP.HCM cũng bổ sung các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu; nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm. Sắp tới thành phố sẽ mở thêm các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối; mở cửa hoạt động an toàn đối với các chợ truyền thống trên địa bàn.