Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 21/5/2022, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 9/2022, tăng mạnh lên mức 245,0 JPY/kg, tăng mạnh 1,7 yên, tương đương 0,69%.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 80 CNY, ghi nhận 12.765 CNY/tấn, tương đương 0,62%.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay đảo chiều tăng do được hỗ trợ bởi chứng khoán Tokyo mạnh lên, mặc dù đồng JPY ổn định hơn và áp lực lạm phát đã hạn chế mức tăng.
Đồng USD được giao dịch ở mức 127,77 JPY, giảm so với mức 128,6 JPY đóng cửa phiên trước tại châu Á. Đồng JPY tăng giá khiến tài sản định giá bằng đồng JPY trở nên kém hấp dẫn khi được mua bằng các loại tiền tệ khác.
Lạm phát tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản trong tháng 4/2022 đã tăng cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm, do chi phí năng lượng và hàng hóa tăng đang gây ra các đợt tăng giá trên diện rộng, tạo ra sức ép đối với các hộ gia đình.
Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản tăng 0,2% trong ngày thứ Sáu (20/5/2022).
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn SICOM Singapore lấy lại 0,9% lên mức 163,4 US cent/kg.
Thị trường xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm 2022
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2022 xuất khẩu cao su tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp, tháng 3/2022 tăng 10,6% cả về lượng và tăng 11,5% về kim ngạch so với tháng 2/2022.
So với tháng 3/2021 cũng tăng 0,5% về lượng, tăng 3,3% kim ngạch và giá tăng 2,8%, đạt 112.445 tấn, tương đương 202,58 triệu USD, giá trung bình 1.801,6 USD/tấn.
Tính chung cả 3 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu cao su vẫn tăng cả khối lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, cả nước xuất khẩu 406.803 tấn cao su, thu về gần 715,4 triệu USD, giá trung bình đạt 1.758,6 USD/tấn tăng 0,08% về khối lượng, tăng 6% về kim ngạch và giá tăng 6%.
Thị trường Trung Quốc tiêu thụ 68,9% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, với 280.230 tấn, tương đương gần 483,2 triệu USD, giá trung bình 1.724,3 USD/tấn, giảm 3,4% về lượng, nhưng tăng 4,4% về kim ngạch và tăng 8% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Ấn Độ đạt 28.766 tấn, tương đương 52,55 triệu USD, giá trung bình 1.826,7 USD/tấn, tăng 40,7% về lượng, tăng 41,9% về kim ngạch và tăng 0,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021.