Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 27/12/2021, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 4/2022, giảm nhẹ xuống mức 226,7 JPY/kg, giảm nhẹ 0,3 yên, tương đương 0,13%.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 155 CNY, lên mức 14.465 CNY/tấn, tương đương 1,08%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm nhẹ do đồng yen giảm so với USD ở thời điểm thị trường Nhật đóng cửa. Một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi các ca nhiễm trùng Omicron đang gia tăng trên khắp châu Âu, Mỹ và châu Á, bao gồm cả ở Nhật Bản, nơi một ổ Covid-19 tại một căn cứ quân sự khiến số người nhiễm tăng lên ít nhất 180 ca.
Giá cao su tự nhiên tại các thị trường chủ chốt của Kerala giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua.
Nguyên nhân xuất phát từ triển vọng ngắn hạn yếu hơn trong bối cảnh nhu cầu từ người mua số lượng lớn và các nhà sản xuất lốp xe có xu hướng giảm.
Hiện các thương nhân đang kỳ vọng nguồn cung cao hơn trong những ngày tới, và chính điều này lại càng đè nặng lên giá.
Doanh số bán ôtô trong tháng 11 đã đạt mức thấp nhất trong nhiều năm do tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu và nhu cầu trong phân khúc xe hai bánh bị giảm sút.
100.000 ha cao su đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững vào Quý I/2022
Tính đến nay, 55.000 ha diện tích rừng cao su đã đạt chứng chỉ VFCS/PEFC, và dự kiến đạt 100.000 ha vào Quý I/2022.
Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có này, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác và đưa vào sản xuất và thương mại.
Nhờ tham gia vào hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững, các sản phẩm cao su thiên nhiên và đời sống của người dân được nâng cao giá trị.
Xu hướng tiêu dùng xanh, chọn lựa những sản phẩm đạt chất lượng và truy xuất được nguồn gốc ngày càng phổ biến trên thế giới.
Hòa chung dòng chảy ấy, dòng nguyên liệu cao su thân thiện với môi trường và đạt chứng nhận của các nhà cung cấp uy tín sẽ kích hoạt việc đạt chứng nhận của người mua.
Việt Nam là một trong số các quốc gia Đông Nam Á được hưởng những dự án thí điểm hỗ trợ cao su bền vững và đạt chứng nhận theo chứng chỉ của Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc tế PEFC.
PEFC là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất trên thế giới, là lựa chọn của các chủ rừng nhỏ, với hơn 300 triệu ha trên 49 hệ thống quốc gia đạt tiêu chuẩn bền vững của PEFC.
Có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, PEFC được công nhận về vai trò cung cấp đánh giá độc lập, chứng thực và công nhận các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
PEFC có quan hệ rộng rãi với các bên liên quan khắp Đông Nam Á - khu vực sản xuất phần lớn cao su thiên nhiên trên thế giới.