Giá gas tháng 12 tăng tiếp 13.000 đồng/bình 12kg
Từ 1/12, Công ty Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) thông báo, giá bán gas SP tăng 1.083 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương tăng 13.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 438.000 đồng/bình 12kg.
Thương hiệu gas City Petro cũng thông báo tăng 1.167 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ 1/11. Gas City Petro tăng 14.000 đồng/bình 12kg, 52.500 đồng/bình 45kg và 58.500 đồng/bình 50kg.
Sau khi tăng, giá bán lẻ gas City Petro không vượt quá mức 259.500 đồng/bình 6kg, 461.500 đồng/bình 12kg, 1.730.500 đồng/bình 45kg và 1.922.000 đồng/bình 50kg.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá gas thế giới giao theo hợp đồng (CP) tháng 12 vừa chốt ở mức 650 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với tháng 11 nên giá gas bán lẻ trong nước ở kỳ điều chỉnh từ ngày 1/12 cũng sẽ tăng.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá gas bán lẻ trong nước đã có 5 lần tăng giá và 7 lần giảm giá.
Giá gas thế giới tăng nhẹ
Giá gas hôm nay 1/12, lúc 11h30, giờ Việt Nam, tăng nhẹ 0,6%, lên mức 7 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí đốt tự nhiên giao vào tháng 1/2023.
Các hợp đồng kỳ hạn khí đốt tự nhiên đã giảm khi các nhà giao dịch tiếp thu các báo cáo về sản lượng tăng, nhu cầu do thời tiết biến động và khả năng ngăn chặn một cuộc đình công đường sắt của Mỹ.
Nhu cầu sưởi ấm dự kiến sẽ tăng trong tháng 12, thời tiết thay đổi hàng ngày giữa ấm hơn và lạnh hơn sẽ hỗ trợ cho những biến động mạnh trong giao dịch khí đốt sắp tới.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội hành động nhanh chóng trong việc thông qua luật có thể ngăn chặn một cuộc đình công đường sắt của nước này.
Năm 2022, châu Âu mua khí hóa lỏng (LNG) của Nga bằng đường biển tăng hơn 40% so với năm ngoái.
Financial Times trích báo cáo từ hãng cung cấp số liệu thị trường Refinitiv cho biết châu Âu đã nhập 111 tỷ m3 LNG trong 10 tháng đầu năm, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu LNG từ Nga giai đoạn này lên kỷ lục 17,8 tỷ m3, tăng 42%.
Phần lớn số LNG này được mua từ liên doanh Yamal LNG - do công ty Nga Novatek nắm cổ phần lớn, cùng Total (Pháp), CNPC (Trung Quốc) và một quỹ quốc gia Trung Quốc. Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan mua phần lớn lượng khí đốt này.
Số liệu trên cho thấy châu Âu đang gặp khó trong việc độc lập khỏi khí đốt Nga, bất chấp các nỗ lực đa dạng hóa gần đây của Brussels.