Giá thép xây dựng hôm nay giảm
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 14 nhân dân tệ xuống 3.715 nhân dân tệ/tấn vào lúc 12h00, ngày 20/8, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch ngày 19/8, chỉ số thép thanh xây đựng giao trên sàn Thượng Hải tăng 0,9% lên 3.747 nhân dân tệ/tấn. Giá thép cuộn cán nóng được sử dụng cho sản xuất ô tô và đồ gia dụng đã tăng 0,5% lên 3.745 nhân dân tệ.
"Mô hình phân tích dữ liệu tiêu thụ đối với sản phẩm thép cán mỏng và dài cho thấy sự tăng trưởng ... bắt đầu từ tuần thứ ba của tháng 8 cho tới tháng 10", ông Darren Toh, nhà khoa học dữ liệu tại công ty phân tích thép và quặng sắt Tivlon Technologies, cho biết.
Trong khi đó, giá quặng sắt giao sau trên sàn Đại Liên dứt đà tăng trong đầu phiên, chốt phiên ngày hôm qua (19/8) với mức giảm gần 1% xuống 617 nhân dân tệ/tấn. Theo Reuters, đây là mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 11/6.
Giá hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch Singapore giảm 0,8% xuống 86,1 USD/tấn trong phiên giao dịch muộn, sau khi tăng tới 1,8% vào đầu phiên.
Giá quặng sắt giảm vào phiên dịch chiều trong bối cảnh thị trường đang sôi nổi với thông tin thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc, Đường Sơn, đã yêu cầu giảm sản xuất sâu hơn trong 4 ngày (từ 18/8 đến 21/8) để hạn chế ô nhiễm.
Reuters không thể xác nhận thông tin này ngay lập tức.
Ngoài ra, dự báo nguồn cung quặng sắt sẽ tiếp tục cải thiện cũng tác động tiêu cực lên giá sản phẩm.
"Các điều kiện nguồn cung sắp tới sẽ tiếp tục được nới lỏng, cùng với dự đoán dòng chảy vào Trung Quốc gia tăng, đều là những phát triển tiêu cực đối với giá", theo chuyên gia phân tích Hui Heng Tan của công ty môi giới hàng hóa Marex Spectron.
Quặng sắt, cùng với giá thép châu Á, đã tăng vào sáng sớm ngày 19/8 sau khi Trung Quốc tuyên bố những cải cách lãi suất vào cuối tuần, làm gia tăng dự báo về sự sụt giảm của chi phí vay mượn đối vơi các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Dữ liệu mới nhất từ công ty tư vấn SteelHome cho thấy lượng tồn kho của quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc ước đạt 123,15 triệu tấn, tính đến ngày 16/8, tăng tuần thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tuần cuối cùng của tháng 5.
Giá quặng sắt 62% giao ngay tới Trung Quốc ổn định ở mức 91,5 USD/tấn trong ngày 16/8. Giá quặng sắt phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn 4 tháng.
Theo Reuters, giá các nguyên liệu sản xuất thép khác biến động trái chiều trong tuần trước, với giá than luyện cốc tăng 0,6% lên 1.338,5 nhân dân tệ/tấn, trong khi giá than cốc giảm 0,2% xuống 1.979,5 nhân dân tệ.
Xuất khẩu sắt thép giảm trong tháng 7/2019
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính riêng trong tháng 7, lượng sắt thép xuất khẩu đạt 462 nghìn tấn, với trị giá đạt 311 triệu USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 8% về trị giá.
Qua đó đưa lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 7 tháng từ đầu năm 2019 đạt 3,89 triệu tấn, trị giá 2,53 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng nhưng giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến hết tháng 7/2019 sắt thép các loại chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường ASEAN như Campuchia 1,04 triệu tấn tăng 44,7%; Indonesia: 430 nghìn tấn, tăng 13,8%; Malaysia: 439 nghìn tấn, tăng 11,3%; Hoa Kỳ: 308 nghìn tấn, giảm 42,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại. Từ đầu năm 2019 đến nay có ba vụ điều tra mới đối với Việt Nam, trong đó có hai vụ Ấn Độ điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng mạ kẽm và thép cuộn không gỉ và một vụ Indonesia điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim.
Đầu tháng 7/2019, doanh nghiệp ngành thép Việt Nam bị giáng thêm một đòn nặng khi Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) cho biết sẽ bắt đầu thu khoản thuế lên tới 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam với nguyên liệu sử dụng được nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Đây được xem là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.