Giá thép xây dựng hôm nay 26/11: Giá thép thanh giảm trở lại

(VOH) - Giá thép ngày 26/11 giảm mặc dù nhu cầu của thế giới đối với thép có thể tăng 1,7% lên 1,81 triệu tấn trong năm tới.

Giá thép xây dựng hôm nay giảm

Giá thép thanh giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 72 nhân dân tệ về  3.611 nhân dân tệ/tấn vào lúc 12h30, ngày 26/11, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 26/11/2019

Ảnh minh họa: internet

Hôm 24/11, công ty China Steel tuyên bố sẽ hạ giá thép trung bình 3,03% trên thị trường nội địa trong quí I/2020 để thúc đẩy nhu cầu thị trường và giúp khách hàng giải quyết hàng tồn kho.

Giá thép tấm sẽ giảm 1.174 Tân Đài Tệ/tấn, trong khi giá thép thanh và thép ống sẽ giảm 1.000 Tân Đài Tệ/tấn, nhà sản xuất thép có trụ sở tại Kaohsiung (Đài Loan) cho biết trong bộ tuyên bố.

Công ty cũng hạ giá thép cuộn cán nóng và ống xoắn thép 1.187 Tân Đài Tệ/tấn và sản phẩm cán lạnh giảm 1.000 Tân Đài Tệ/tấn.

Để tăng sức cạnh tranh cho khánh hàng trên thị trường thế giới, China Steel sẽ hạ giá thép mạ diện và cuộn cảm 900 Tân Đài Tệ/tấn và giảm giá thép được mạ kẽm chống ăn mòn 1.078 Tân Đài Tệ/tấn.

Mặc dù nhu cầu của thế giới đối với thép có thể tăng 1,7% lên 1,81 triệu tấn trong năm tới, theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhưng China Steel nhận định nhu cầu trên thị trường nội địa dự kiến duy trì ảm đạm trong quí đầu năm sau vì Tế Nguyên đán làm giảm số ngày làm việc.

Tuy nhiên, công ty cho biết đã lấy lại phần nào sự tự tin khi giá tăng tại Mỹ.

Các nhà sản xuất khác tại Ấn Độ, Brazil và Nga đã tăng giá nguyên liệu thô đối với tấm thép cán nóng và ống xoắn thép.

Thép giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam và các nước ASEAN tăng đột biến

 Trong bối cảnh hàng loạt các chính sách phòng vệ thương mại được dựng lên nhằm ngăn chặn nguy cơ lẩn tránh thuế của các nước, đặc biệt từ Trung Quốc, thì việc Việt Nam liên tục nhập khẩu mạnh mặt hàng sắt thép giá rẻ từ quốc gia này đang là một tín hiệu rất đáng lo ngại.

Số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 10 vừa qua đã có hơn 12,24 triệu tấn sắt thép các loại được nhập khẩu vào Việt Nam với kim ngạch nhập hơn 8,1 tỉ USD. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 2,95 tỉ USD, tương ứng khoảng 4,64 triệu tấn.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam thì lượng thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu về nhiều nhất, chiếm 42,4% trong tổng lượng và chiếm 39,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. Tiếp đến là thép từ thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2, chiếm 14,1% và Nhật Bản đứng thứ 3 chiếm 14% trong tổng kim ngạch.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian gần đây, không riêng gì thị trường Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia ASEAN đang có sự dư thừa về nguồn cung thép. Trong đó, lượng thép có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm số lượng khá lớn.

Thị trường xuất khẩu sắt thép 10 tháng đầu năm 2019

 Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2019 lượng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài tăng 2,9% về lượng nhưng giảm 8,9% về kim ngạch và giảm 11,4% về giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 5,39 triệu tấn, tương đương 3,49 tỷ USD, giá trung bình 648,2 USD/tấn.

Nhập khẩu sắt thép 10 tháng đầu năm: Lượng tăng, kim ngạch giảm

Riêng trong tháng 10/2019, xuất khẩu tăng 8,7% về lượng, tăng 6,9% về kim ngạch nhưng giảm 1,7% về giá so với tháng liền kề trước đó, đạt 536.320 tấn, tương đương 337,97 triệu USD, giá 630,2 USD/tấn; nhưng so với tháng 10/2018 thì giảm 18% về lượng, giảm 25,4% về kim ngạch và giảm 9% về giá.

Sắt thép của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 63% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 60% trong tổng kim ngạch, đạt 3,4 triệu tấn, tương đương 2,09 tỷ USD. Trong đó, Campuchia đứng đầu trong các nước Đông Nam Á về tiêu thụ sắt thép của Việt Nam đạt 1,42 triệu tấn, tương đương 840,99 triệu USD, chiếm 41% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép sang khối này, tăng 29% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Đứng sau thị trường Đông Nam Á là thị trường Mỹ chiếm 6,6% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch, đạt 353.846 tấn, tương đương 285,76 triệu USD, giá trung bình 807,6 USD/tấn giảm mạnh 56,6% về lượng, giảm 58,8% về kim ngạch và giảm 5,2% về giá so với cùng kỳ.

Giá thép xây dựng hôm nay 25/11: Giá thép tăng, quặng sắt leo lên mức cao nhất 4 tuần - Giá thép ngày 25/11 tăng, giá quặng sắt tăng trở lại khi các chuyên gia phân tích và nhà kinh doanh hướng đến những lợi ích khác và bỏ qua lợi nhuận.
Giá cao su hôm nay 26/11/2019: Đảo chiều giảm - Giá cao su tại Tokyo ngày 26/11 đảo chiều giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá tăng mạnh mới đây.
Bình luận