Theo các chuyên gia phân tích của Công ty môi giới Jefferies, sự sụt giảm tạm thời về sản xuất và nhu cầu thép của Trung Quốc do sự bùng phát của virus corona có thể dẫn đến sản xuất thép cao hơn ở nơi khác và sự tích tụ hàng tồn kho, khiến giá thép toàn cầu giảm.
Ảnh minh họa: internet
Nghiên cứu của S&P cũng cho rằng giá thép có thể giảm sau khi giá quặng sắt giảm mạnh vào thứ Ba (28/1).
Sự bùng phát virus corona có khả năng tác động đến giá thép đầu vào và đầu ra, mở rộng ảnh hưởng sang cả phế liệu kim loại, với Trung Quốc là nước tiêu thụ phế liệu kim loại màu lớn nhất trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.
Giá thép có khả năng giảm với tốc độ nhanh hơn so với giá quặng sắt với việc sản xuất thép ở các thành phố nhiễm dịch tại Trung Quốc tạm thời gián đoạn.
Kể từ ngày 28/1, các cảng ở tỉnh Hà Bắc, trung tâm sản xuất thép lớn của Trung Quốc, đã bị đóng cửa, cản trở cả nhập khẩu quặng sắt và xuất khẩu thép và nhiều thành phố đã trì hoãn hoạt động xây dựng cho đến khi có thông báo mới.
Đây là phương pháp nhằm giảm rủi ro lây lan dịch bệnh nhưng cũng có tác động tiêu cực đến nhu cầu thép.
Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam năm 2019 trị giá gần 9,51 tỷ USD
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sắt thép nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 12/2019 tăng 2,8% về lượng và tăng 2,3% về kim ngạch so với tháng 11/2019; tăng 5,9% về lượng nhưng giảm 10% về kim ngạch so với tháng 12/2018, đạt 1,19 triệu tấn, kim ngạch 723,52 triệu USD.
Tính chung cả năm 2019, nhập khẩu sắt thép các loại tăng 7,6% về lượng nhưng giảm 3,9% về kim ngạch so với năm 2018, đạt 14,56 triệu tấn, trị giá 9,51 tỷ USD.
Giá sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 12/2019 đạt trung bình 605,9 USD/tấn, giảm 0,5% so với tháng liền kề trước đó và giảm 15% so với tháng 12/2018. Tính trung bình cả năm 2019, giá sắt thép nhập khẩu đạt 653,2 USD/tấn, giảm 10,6% so với năm 2018.
Nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc - thị trường lớn nhất, giảm 18% về lượng, giảm 26,6% về kim ngạch và giảm 10,5% về giá so với năm 2018, đạt 5,14 triệu tấn, tương đương 3,3 tỷ USD, giá nhập khẩu trung bình đạt 641,6 USD/tấn, chiếm 35,3% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 34,7% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng nhẹ 4,1% về lượng, tăng 0,3% về kim ngạch nhưng giảm 3,7% về giá, đạt 1,77 triệu tấn, tương đương 1,41 tỷ USD, giá trung bình 797,7 USD/tấn, chiếm 12,1% trong tổng lượng và chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch sắt thép nhập khẩu của cả nước.
Nhập khẩu từ Nhật Bản giảm cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm lần lượt 6,7%, 14,6% và 8,4%, đạt 2,08 triệu tấn, tương đương 1,36 tỷ USD, giá trung bình 651,6 USD/tấn, chiếm trên 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Đáng chú ý trong năm 2019, nhập khẩu sắt thép từ một số thị trường tuy lượng và kim ngạch không lớn nhưng so với năm trước thì tăng rất mạnh như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Malaysia.
Ngược lại, nhập khẩu sắt thép sụt giảm mạnh ở các thị trường sau: Saudi Arabia, Đan Mạch, Phần Lan.