Giá thép xây dựng tăng
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 37 nhân dân tệ lên 3.425 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h00, ngày 7/5, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Các nhà máy thép của Trung Quốc nhanh chóng tăng sản lượng do lợi nhuận đang tăng và hy vọng các gói kích thích của chính phủ sẽ khôi phục tiêu dùng, bất chấp tồn kho lớn và nhu cầu thép toàn cầu suy giảm bởi đại dịch.
Chốt phiên thứ Tư (6/5), giá thép thanh xây dựng giao tháng 10 tăng 1,5% lên 3.392 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,5% lên 3.248 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng thép không gỉ giao tháng 6 tăng vọt 2,5% lên 13.235 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng quặng sắt giao sau tăng khi các nhà máy thép tăng cường sản xuất trong bối cảnh hoạt động xây dựng mạnh mẽ và hi vọng nhu cầu phục hồi khi Trung Quốc giảm bớt các biện pháp hạn chế.
Bắc Kinh đã nới lỏng các qui tắc kiểm dịch trước ngày 1/5 và cho phép tổ chức hoạt động du lịch từ các khu vực có nguy cơ thấp, cho thấy nhiều hoạt động kinh tế sẽ được nối lại sau nhiều tháng ngưng trệ.
Tỉ lệ sử dụng công suất hàng tuần tại các lò cao ở các nhà máy 247 trên khắp Trung Quốc tăng lên 81,68% kể từ ngày 30/4, theo dữ liệu từ Mysteel.
Hợp đồng quặng sắt có khối lượng giao dịch lớn nhất trên Sàn Đại Liên kết thúc phiên tăng 0,6% lên 611 nhân dân tệ/tấn (tương đương 86,22 USD/tấn) sau khi tăng 1,8% lên 618 nhân dân tệ/tấn trước đó.
Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% tăng lên 84,5 USD/tấn trong ngày 30/4.
Fitch Solutions hi vọng giá quặng sắt sẽ vẫn ổn định so với các kim loại khác. "Chúng tôi cho rằng sản xuất thép của Trung Quốc sẽ mạnh hơn trong quí II, do đó thúc đẩy nhu cầu và giá quặng sắt có thể cao hơn so với mức hiện tại".
Các nhà máy thép của Trung Quốc đang nhanh chóng tăng sản lượng với tỉ suất lợi nhuận cải thiện và hi vọng các biện pháp kích thích của chính phủ sẽ phục hồi tiêu dùng, bất chấp hàng tồn kho và nhu cầu thép toàn cầu giảm do đại dịch virus corona.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác cũng tăng với giá than luyện cốc tăng 1,8% lên 1.081 nhân dân tệ/tấn và giá than cốc tăng 1,6% lên 1.708 nhân dân tệ/tấn.
Xuất nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận mức giảm hai con số trong tháng 4 sau khi hồi phục vào tháng 3 do đại dịch virus corona ảnh hướng tới nhu cầu toàn cầu và phá vỡ chuỗi cung ứng sản xuất, cuộc khảo sát của Reuters cho thấy.
Các thành phố đông dân nhất Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng đột biến của khách du lịch nước ngoài vào ngày 1/5, dẫn đầu là Vũ Hán, tâm chấn của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, mức độ du lịch vẫn thấp hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Tiêu thụ thép quí 1 giảm
Trong quí I vừa qua, tiêu thụ thép ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đều sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp lớn ngành thép vẫn ghi nhận kết quả hoạt động khả quan, tăng trưởng rõ rệt về lợi nhuận.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong quí I/2020 các doanh nghiệp đã sản xuất được gần 5,73 triệu tấn thép các loại, giảm 6% so với cùng kì 2019. Sản lượng tiêu thụ đạt 5,03 triệu tấn, giảm 12,4%. Trong đó, xuất khẩu thép các loại chỉ đạt 1,02 triệu tấn, giảm hơn 21%.
Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để ngăn dịch COVID-19 lan rộng đã khiến cho hoạt động kinh tế nói chung và xây dựng nói riêng bị đình trệ không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, dẫn tới nhu cầu thép sụt giảm.
Tác động của COVID-19 tới doanh nghiệp thép nhiều khả năng sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trong kết quả kinh doanh quí II do thời gian giãn cách xã hội được áp dụng trong tháng 4 dài hơn trong tháng 3, các biện pháp cũng gắt gao hơn. Ví dụ, mọi công trình xây dựng tại Hà Nội bị tạm dừng trong đợt cao điểm phòng chống COVID-19 từ ngày 1/4 đến 15/4.
Sau khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ, thị trường cũng cần thêm một khoảng thời gian mới có thể hồi phục hoàn toàn.