Ngân hàng đẩy mạnh công tác an ninh, bảo mật

(VOH) – Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc khách hàng bỗng dưng bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng dù không thực hiện giao dịch và đa số các vụ việc vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Điều đó khiến nhiều người gửi tiền lo lắng liệu có hay không lỗ hổng bảo mật trong giao dịch của các ngân hàng?

Nghe bài viết tại đây: 

 

Khách hàng thường xuyên bị rút mất tiền trong thẻ. Ảnh minh họa: CafeF

Mất tiền: do lỗ hổng bảo mật, sơ hở của khách hàng?

Cách đây vài năm khi các cuộc tấn công vào thanh toán điện tử, trực tuyến bắt đầu xuất hiện thì vụ lớn nhất cũng chỉ gây thiệt hại vài chục triệu đồng, nhưng những vụ xảy ra thời gian gần đây đã gây thiệt hại hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng. Những vấn đề đó đã thực sự trở thành nguy cơ đe dọa đối với sự phát triển lành mạnh và ổn định của thị trường thanh toán điện tử, trực tuyến ở Việt Nam nói riêng.

Hệ thống thanh toán điện tử và thanh toán thẻ nói riêng và ngành tài chính, ngân hàng nói chung là một trong những mục tiêu hàng đầu cho những đối tượng tấn công. Mặc dù trên thế giới và thực tiễn Việt Nam thì các tổ chức trong ngành tài chính, ngân hàng luôn là các đơn vị đi đầu trong công tác bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống cũng như có đầu tư cho các giải pháp, công nghệ để ngăn chặn phát hiện sớm các rủi ro, mất mát trong thanh toán điện tử.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học, Ngân hàng Nhà nước, cho hay: ”Về phía ngành ngân hàng thì chuyện rà soát, nâng cấp, bổ sung về an ninh bảo mật là hoạt động thường xuyên, diễn ra hàng năm chứ không phải khi có một sự kiện nào đó thì ngành ngân hàng mới chợt nhớ ra và bắt đầu mới tính đến chuyện nâng cấp hoặc trang bị bổ sung. Về phía Ngân hàng Nhà nước thì để quản lý về việc đảm bảo an toàn trong thanh toán thì chúng tôi cũng có quy định về việc sử dụng công nghệ cho các hạn mức khác nhau”.

Bên cạnh đó, tội phạm đang chuyển hướng từ tấn công ngân hàng sang tấn công khách hàng, lợi dụng các sơ hở của khách hàng để ăn cắp tiền. Chỉ trong 1 tháng qua, gần 10 vụ mất tiền tài khoản liên tiếp xảy ra ở các ngân hàng khác nhau. Điều đáng nói là các vụ việc đều chưa tìm được nguyên nhân.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, thông tin: ”Chúng tôi đã phối hợp với công an thành phố và các đơn vị có liên quan đến những sự cố vừa qua yêu cầu phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ cho cơ quan công an để phối hợp với cơ quan công an tìm ra nguyên nhân, xử lý rốt ráo, đảm bảo quyền lợi khách hàng.

Thứ hai, chúng tôi cũng đã ban hành văn bản, yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố phải nghiêm túc thực hiện rà soát lại các quy trình, quy chế trong nội bộ của mình. Đồng thời, rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin và chỉnh sửa bổ sung ngay để bảo vệ tiền gửi của người dân, của các tổ chức có hiệu quả cao nhất”.

Tiền gửi trong ngân hàng liệu có còn an toàn? Ảnh minh họa. 

Đầu tư công nghệ

Theo các chuyên gia, các ngân hàng trong nước đã có những nỗ lực nhất định, mạnh dạn đầu tư và cập nhật xu hướng công nghệ mới. Tuy nhiên, mức độ đầu tư cho công nghệ tính trên tổng mức đầu tư vẫn chưa cao, chỉ chiếm 5% trên tổng danh mục đầu tư. Trong khi đó, tại Singapore, mỗi năm bỏ ra 200 triệu USD để nâng cấp hệ thống và con số này lên đến 7,3 tỷ USD một năm đối với các nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Còn thống kê của các chuyên gia dựa trên nguồn số liệu được tổng hợp dựa trên báo cáo của 13 ngân hàng thương mại và 2 trường đại học trong hệ thống ngân hàng, tổng mức đầu tư cho công nghệ của hệ thống ngân hàng Việt năm 2015 chỉ ở mức 2.550 tỷ đồng.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá: ”Những sản phẩm liên quan đến công nghệ cao của các ngân hàng trong khu vực phát triển hơn, năng lực quản trị rủi ro, sản phẩm dịch vụ, quản trị doanh nghiệp của các ngân hàng Việt Nam thì thấp hơn".

Theo số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2016, số lượng thẻ phát hành trên 107 triệu thẻ (tăng gấp 3,48 lần so với cuối năm 2010). Số lượng thẻ lớn, nguy cơ mất an toàn hệ thống thẻ cũng gia tăng khiến việc bảo mật ngày một phức tạp và áp lực hơn.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là do người dùng cũng thiếu những hiểu biết để bảo mật và bảo vệ tài sản của mình. Nguyên nhân này xuất phát từ hai phía, trong đó có chăng là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ?

Ngân hàng cần có những cảnh báo cho khách hàng

Ông Lê Đình Hạc, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, phân tích: ”Khe hở thì vô vàn, có thể do ngân hàng hoặc ngân hàng đúng nhưng nhân viên sai, kể cả nhân viên sai thì ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Mấy chục năm nay cũng vẫn có những vụ mất tiền, thỉnh thoảng lác đác vẫn có. Nhưng, quan trọng người chủ tài khoản phải nắm được những nguyên tắc nhất định. Muốn để cho họ nắm được những nguyên tắc thì khi khách hàng mở tài khoản thì phải có một số lưu ý khi khách hàng mở tài khoản, ngân hàng phải đưa ra những chú ý cảnh báo cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch”.

Việc các ngân hàng đưa ra cảnh báo đối với khách hàng là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Vấn đề bảo mật, an toàn thông tin của hệ thống ngân hàng cần được quan tâm đúng mức hơn. Thiết nghĩ, các tổ chức tín dụng, bên cạnh việc không ngừng đầu tư, nâng cấp, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo tiện ích cho khách hàng thì yếu tố an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán phải được đặt lên hàng đầu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt mục tiêu là xây dựng và hoàn thiện một hệ thống thanh toán có tỷ lệ an toàn cao nhất, bảo vệ tài sản và đảm bảo quyền lợi của khách hàng tốt nhất.