Nhượng quyền thương hiệu và các vấn đề cần quan tâm

(VOH) - Nhượng quyền thương mại đang là phương thức kinh doanh hứa hẹn có chiều hướng phát triển, dần trở thành xu hướng trên toàn cầu. Tuy nhiên, kinh doanh nhượng quyền cũng không hề đơn giản, cơ hội lớn nhưng rủi ro kèm theo cũng không nhỏ.

Hiện nay, các tập đoàn nước ngoài, đa số thuộc lĩnh vực thực phẩm, đã và đang ồ ạt vào nước ta đầu tư, mở rộng kinh doanh qua nhượng quyền thương hiệu. Thành công nhất hiện nay có thể kể đến là các tập đoàn thức ăn nhanh với thương hiệu Lotteria của Hàn Quốc, McDonald’s, KFC, Pizza Hut của Mỹ. Bên cạnh đó, hàng loạt các đại siêu thị đã được các nhà phân phối nước ngoài xây dựng ở Việt Nam như: Metro Cash & Carry tập đoàn của Đức, tập đoàn Parkson của Malaysia… và gần đây, nhiều doanh nghiệp Thái Lan cũng tìm đến thị trường Việt Nam thông qua nhượng quyền thương mại.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến tháng 4/2014 đã có hơn 200 thương hiệu đăng ký kinh doanh nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó, có khoảng 120 thương hiệu thật sự kinh doanh theo chuỗi, bao gồm các ngành: cà phê, thức ăn nhanh, nhà hàng, bán lẻ, dịch vụ giáo dục trẻ em... Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, hoạt động nhượng quyền của Việt Nam sẽ không chỉ bó gọn trong các ngành như thực phẩm, bán lẻ, thời trang nữa, mà sẽ mở rộng ra cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác như xây dựng và trang trí nội thất, chăm sóc sắc đẹp, bất động sản… sẽ phát triển bằng hình thức nhượng quyền trong thời gian tới.

Sự có mặt các thương hiệu của nước ngoài vừa mở ra cơ hội cho người tiêu dùng trong nước tiếp cận hàng hóa, dịch vụ, vừa tạo sức ép cạnh tranh buộc doanh nghiệp trong nước phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời đây cũng là kênh đầu tư và hình thức hợp tác hiệu quả và đầy triển vọng của các doanh nghiệp với thị trường hơn 90 triệu dân Việt Nam. Ông Võ Tấn Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: "Kinh nghiệm trên thế giới cũng như tại VN cho chúng ta thấy rằng: hình thức

kinh doanh thông qua nhượng quyền thương mại là một hình thức kinh doanh tương đối ít rủi ro và tỷ lệ thành công cao; quá trình thâm nhập thị trường, mở rộng thị trường thì tương đối nhanh. Chính vì vậy,  các doanh nghiệp chúng ta ngày càng quan tâm đến hình thức kinh doanh hiệu quả này, cho nên vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải cố gắng làm sao tìm kiếm những cơ hội kinh doanh, những kênh đầu tư mới có tính hiệu quả, ít rủi ro là rất quan trọng"

Nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường nhượng quyền tại Việt Nam, đồng thời với chủ trương mở rộng thị trường kinh doanh của các doanh nghiệp Thái Lan, Bộ Thương mại Thái Lan đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Thái mở rộng kênh phân phối thông qua nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Một số thương hiệu sản phẩm Thái Lan muốn nhượng quyền thương hiệu với doanh nghiệp Việt Nam là: về giáo dục có thương nhiệu Smart Brain, Ipanda; về ngành thực phẩm, đồ uống có: Fresh Me, nhà hàng Chokdee Dim Sum, Rama… Ông Sam Pong NopSwan nói: "

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thức ăn nhanh ở Thái Lan đã thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu ở thị trường nội địa và cũng đã thành công tại các thị trường láng giềng như Lào, Campuchia và bây giờ, chúng tôi bắt đầu xoay hướng vào thị trường Việt Nam".

Việt Nam cũng đã có một số thương hiệu nhượng quyền ra nước ngoài như: Phở 24, cà phê Trung Nguyên… và cũng có nhiều doanh nghiệp phát triển theo hình thức nhận nhượng quyền thương hiệu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại gặp nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển mở rộng. Rào cản lớn nhất hiện nay của các chuỗi nhượng quyền tại Việt Nam là thiếu kinh nghiệm để phát triển hệ thống và chọn đúng đối tác nhận nhượng quyền thứ cấp.


Một quán cà phê Trung Nguyên ở nước ngoài - Ảnh: Sparklette.

Đa phần các doanh nghiệp nhận nhượng quyền đều muốn độc quyền thương hiệu. Nghĩa là, doanh nghiệp nhận thương hiệu đã mua và làm một mình, chứ không tiếp tục nhượng quyền cho doanh nghiệp thứ cấp. Nguyên nhân chủ yếu được các doanh nghiệp lý giải là do: khó quản lý đối tác nhận nhượng quyền nên không thể duy trì sự nhất quán về tiêu chuẩn và khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự có chuyên môn, để thành lập một hệ thống phát triển nhượng quyền chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển hệ thống bằng việc mở rộng chuỗi cửa hàng của chính công ty là một những lý do làm tăng chi phí vận hành, và thực tế là chưa có một chuỗi nào tại Việt Nam có lợi nhuận.

Bà Huỳnh Thị Anh Thư, Giám đốc công ty quảng cáo ATD chia sẻ: "Những việc này đối với DN nhỏ như tụi mình thì còn lạ lắm, mới lắm, chúng ta phải học hỏi, nắm được đúng thông tin và khôn khéo như thế nào để mang lại lợi ích cho mình, chứ còn không chúng ta nhận vào, hai bên tốn công tốn sức, tồn tiền xây dựng để cuối cùng không làm được. Khi họ đưa ra 1 chính sách gì đó thì mình cũng phải xem xét thế nào để phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng, ý thích người dân của mình như thế nào thì mình mới làm được".

Nhượng quyền thương mại đang là phương thức kinh doanh hứa hẹn có chiều hướng phát triển, dần trở thành xu hướng trên toàn cầu. Tuy nhiên, kinh doanh nhượng quyền cũng không hề đơn giản, cơ hội lớn nhưng rủi ro kèm theo cũng không nhỏ. Để thành công, doanh nghiệp cần phải có một chiến lược quản trị nhượng quyền bài bản, chặt chẽ, có chiến lược và có tầm nhìn. Bên cạnh đó, luôn cần phải có một hệ thống giám sát chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thêm một điều vô cùng quan trọng nữa là doanh nghiệp cần tiến chắc từng bước một, không nên phát triển một cách quá nhanh, e rằng sẽ dễ mất dần kiểm soát trong kinh doanh.