Nông nghiệp thành phố: cuối năm nhìn lại

(VOH) - Năm 2008, năm thứ 3 TP tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ 8, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 8% so với năm 2007.

Nông nghiệp thành phố: cuối năm nhìn lại

 

(VOH) - Năm 2008, năm thứ 3 TP tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ 8, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 8% so với năm 2007.

 

 

Trồng hoa lan torng nhà lưới.

Cho đến nay, mục tiêu tăng trưởng 8% ấy dường như đã ở trong tầm tay. Bởi chỉ trong 9 tháng đầu năm, giá trị các ngành trồng trọt, chăn nuôi, 2 ngành sản xuất chính đã tăng trưởng tới hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Mà 2 ngành này vốn đã chiếm tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu giá trị của ngành nông nghiệp TP. Trong đó, ngành chăn nuôi chiếm tỉ trọng hơn 41%, ngành trồng trọt hơn 34%. Sự tăng trưởng đó có thể nói là rất ấn tượng, nhất là trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh, sâu rầy, giá xăng dầu, phân bón gia tăng, nền kinh tế hết lạm phát lại thiểu phát... gây ra rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Đặc biệt chúng ta vẫn phát huy được những vật nuôi, cây trồng chủ lực. Đàn bò sữa đạt khoảng 68.000 cơn, tăng 11% so với năm trước. Diện tích cây rau an toàn ngày càng mở rộng. Ước tính, diện tích gieo trồng cây rau an toàn các loại cũng vào khoảng 10 ngàn, ha, tăng trên 20%. Việc nuôi cá nước ngọt cũng tăng mạnh, sản lượng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng đến nay cũng trên 1.300 ha. Đồng cỏ chăn nuôi đạt khoảng 2500 ha. Bắp hơn 800 ha. Một số vật nuôi “đặc sản” cũng có những “đột phá” nhất định. Đàn cá kiểng hơn 39 triệu con. Đàn cá sấu trên 150 ngàn con, mang lại ngoại tệ gấp hơn 2 lần so với năm 2007. Ngoài ra, còn thỏ, nhím, ba ba, heo rừng, rau mầm, nấm, tôm càng xanh, cá kèo, cá thác lác... với sản lượng ngày càng dồi dào phục vụ nhu cầu đa dạng của đời sống đô thị.

 

Rõ ràng việc xuất hiện ngày càng nhiều các loại vật nuôi, cây trồng mới cho thấy ngành nông nghiệp TP đang rất trăn trở trong việc chọn hướng đi sao cho phù hợp với tầm với của một đô thị lớn. Hàng trăm lớp tập huấn, khuyến nông thu hút hàng ngàn lượt hộ nông dân đã được tổ chức ở các địa phương nhằm trang bị cho bà con những kiến thức mới về cây trồng, vật nuôi cũng như các kỹ thuật nuôi trong an toàn, bảo đảm vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh. Nhiều nguồn vốn cũng được huy động để giúp bà con đầu tư, tiếp nhận các công nghệ mới hoặc chuyển sang những cây con có giá trị cao hơn. Trong đó, chỉ riêng nguồn vốn theo quyết định 105 của Ủy ban Nhân dân TP, trong 9 tháng đầu năm nay đã thực hiện hơn 148 đề án với 241 tỉ đồng.

 

Tuy rằng những cố gắng đó còn rất khiêm tốn nhưng phần nào cũng làm thay đổi nhận thức và thói quen của nhiều hộ nông dân. Đến nay, theo Hội Nông dân TP đã có hàng ngàn hộ đăng ký chuyển đổi vật nuôi cây trồng. Hàng trăm mô hình chuyển đổi có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng một năm. Có những hộ trồng rau trong nhà lưới có thể thu nhập trên mỗi ha từ 250 đến 300 triệu đồng một năm. Nhiều hộ trồng phong lan, cây kiểng, có khi chỉ vài trăm mét đất, cũng thu nhập bốn, năm chục triệu đồng. Một số hộ nuôi thú đặc sản thậm chí có thu nhập bạc tỷ từ việc bán con giống. Bà con nông dân cũng ngày càng nhận thấy nhu cầu bức thiết của việc sản xuất thực phẩm an toàn, sạch bệnh. Đã xuất hiện những cung cách làm ăn mới rất đáng khích lệ. Như trong lĩnh vực trồng rau an toàn, bà con đã quan tâm hơn đến việc sử dụng các bộ giống mới chất lượng cao. Việc trồng rau trong nhà luới, trồng rau có phủ bạt hay dùng các chế phẩm sinh học ngày càng phổ biến. Đặc biệt, nhiều hộ trồng rau ở Củ Chi, Hóc Môn giờ đây đang thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt (GAP), từng bước tạo dựng được những thương hiệu uy tín. Còn trong chăn nuôi, nhiều hộ đã tích cực mượn vốn để cải tạo chuồng trại, tăng quy mô đàn, mua sắm máy vắt sữa, máy băm cỏ, máy trộn thức ăn, máy ấp trứng, sử dụng các chế phẩm khử mùi hôi và ứng dụng công nghệ biogas để xử lý chất thải... Đặc biệt ở một vài địa phương nông dân còn liên kết thành lập các hợp tác xã, tổ nhóm chăn nuôi an toàn theo mô hình trại sạch, khép kín, có thiết bị làm mát, chống tiếng ồn và có chế độ vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh chặt chẽ. Trong năm 2008, việc không để xây ra các vụ dịch bệnh lớn trên đàn gia súc gia cầm là một cố gắng rất đáng ghi nhận của ngành chăn nuôi TP.

 

Có thể nói việc chuyển đổi vật nuôi cây trồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, đưa giá trị bình quân trên mỗi ha đất nông nghiệp của TP lên 7 – 8 triệu đồng mỗi năm. Đến nay cũng có khoảng hơn 2.700 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương và TP có thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng. Đây là những nhân tố rất tích cực góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp TP trồng hơn 1 năm qua.

 

Tuy vậy, cuối năm nhìn lại, nhiều người vẫn chưa yên tâm vào chất lượng của việc tăng trưởng. Đó là do hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm nông nghiệp còn rất thấp. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có mặt thị trường công nghệ cao thực sự. Những khu nông nghiệp công nghiệp cao, trung tâm sinh học của TP... rất thiếu nhân tài, vật lực. Ngoài ra việc chậm triển khai quy họach cho các vùng sản xuất nông nghiệp cũng khiến cho các địa phương lúng túng trong công tác chỉ đạo, nông dân ngại đầu tư vì sợ giải tỏa. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất cũng rất hạn chế, nhỏ giọt, nhiều vùng trồng hoa cây kiểng đến nay vẫn thường xuyên bị úng ngập gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn ít và còn khá lỏng lẻo. Bà con ở nhiều địa phương vẫn phải tự bươn chải, loay hoay tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình. Diện tích đất bỏ hoang còn nhiều. Diện tích gieo trồng lúa hiệu quả thấp còn khá lớn, hơn 26.000 ha.

 

Hy vọng, với những chỉ đạo tập trung và quyết liệt hơn, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều chính sách và biện pháp đồng bộ để ngành nông nghiệp thực sự có bước đột phá mạnh mẽ theo hướng nông ngiệp đô thị - sinh thái, đạt năng suất, chất lượng cao, mang lại hiệu quả ổn định và bền vững trong năm 2009.

 

Xuân Thìn