VĐHN: Bộ thương mại Mỹ dự kiến đánh thuế chống phá giá cá tra cao, ai bất lợi và ai được lợi?

(VOH) - Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trừơng Mỹ có thể phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 63% tới 130% theo kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra của Bộ Thương mại Mỹ lần thứ 6, trong khi đó, đợt xem xét lần thứ 5, Việt Nam có 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Thủy sản Bình An Bianfishco và Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam South Vina được Bộ thương mại Mỹ quyết định không bán phá giá sang thị trường Mỹ, mức thuế 0% và 3 doanh nghiệp khác chịu mức thuế thấp, dứơi 1%.

Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để cá tra Việt Nam xâm nhập mạnh vào thị trường Mỹ, tạo ra những lợi thế cạnh tranh lớn cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không hoặc chỉ chịu mức thuế thấp so với hàng chục doanh nghiệp cùng ngành của Việt Nam.

Dự kiến, mức thuế này áp dụng cho cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trừơng Mỹ trong giai đoạn từ 1-8-2008 đến 31-7-2009. Các bị đơn bắt buộc của đợt xem xét lần 6, chịu mức thuế lên đến 4,22 USD/kg, bằng khoảng 130% so với giá bán sang Mỹ, mức giá cao nhất trong sáu lần xem xét hành chính của Bộ Thương mại Mỹ kể từ năm 2003. Và các bị đơn tự nguyện, theo quy định phải chịu mức thuế trung bình của các bị đơn bắt buộc, cũng có mức thuế chống bán phá giá là 4,22 USD/kg. Với các doanh nghiệp còn lại không tham gia đợt xem xét trên, ngoài danh sách bị đơn bắt buộc và tự nguyện vẫn chịu mức thuế suất toàn quốc là 2,11 USD/kg. Mặc dù đây là số liệu thông tin sơ bộ và chưa được Bộ Thương mại Mỹ công bố trên công báo Liên bang Mỹ nên có thể thay đổi nhưng cũng làm các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam không khỏi lo lắng về các bất lợi trong thời gian tới.

Bất lợi thứ nhất là những doanh nghiệp nếu chịu thuế bán phá gía cá tra quá cao, cao hơn cả giá cá nheo tại thị trừơng Mỹ sẽ hết đừơng xuất khẩu sản phẩm vào thị trừơng Mỹ. Bởi cứ xuất khẩu 1 kg cá tra, chưa nói tiền vốn, doanh nghiệp còn phải bù thêm tiền vào để đóng thuế chống bán phá gía. Doanh nghiệp lỗ vốn tận xương, sao dám kinh doanh.

Bất lợi thứ hai, mặc dù xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trừơng khác nhưng do thu hẹp hị phần ở thị trừơng Mỹ, các doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất tất nhiên sẽ giảm sử dụng một lựơng cá tra nguyên liệu. Đến đây ngừơi nuôi cá tra Việt Nam sẽ bị ảnh hửơng vì đầu ra thu hẹp. Trong 2 năm qua, giá cá tra nguyên liệu diễn biến bất bất thừơng, phần lớn bất lợi cho ngừơi nuôi. Hiện giá thành sản xuất trong nuôi cá tra ngày càng tăng, từ 15.500 đồng/kg trong năm 2009, tăng lên 16.500 đồng/kg, trong khi đó nhiều doanh nghiệp chào bán giá cá tra giảm liên tục, từ 2,28 USD/kg trong năm 2009, xuống còn 2,13 USD/kg đã tác động rất tiêu cực đến người nuôi cá. Nếu việc đánh thuế chống bán phá gía này xảy ra, ngừơi nuôi cá tra càng lâm vào cảnh khó khăn hơn, không thể tái đầu tư sản xuất, thậm chí phải chuyển đổi nghề nghiệp khác.

Khác với những doanh nghiệp dự kiến bị áp thuế bán phá giá cá tra, 5 doanh nghiệp còn lại, trong đó Công ty cổ phần Thủy sản Bình An Bianfishco và Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam South Vina, có thuế suất thấp đương nhiên sẽ lấp khỏang trống và mở rộng thị phần. Đây không phải là lợi thế bất ngờ do Bộ Thương mại Mỹ ban tặng mà do các doanh nghiệp biết giữ uy tín, bảo đảm chất lượng sản phẩm, xây dựng niềm tin với thương hiệu. Các doanh nghiệp này sẽ làm gì để tận dụng cơ hội trên là tùy thuộc vào bản thân từng doanh nghiệp. Ví dụ như Bianfishco luôn giữ giá bán cao, bảo đảm chất lựơng và mới đây, còn thành lập viện nghiên cứu cá tra để ngày càng nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu. Điều này đặt ra vấn đề, các doanh nghiệp còn lại không thể tiếp tục cạnh tranh lẫn nhau bằng giá thấp, mà phải đảm bảo chất lượng sản phẩm nếu múôn tái xâm nhập thị trừơng Mỹ. Hiện một số chuyên gia đề xuất cho giá sàn xuất khẩu cá tra philê tại thị trường Mỹ khỏang 3,3 USD/kg cho 100% net. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý phải quản lý được chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu.

Theo VASEP, mức thuế chống bán phá giá trên là không hợp lý. Hậu quả của nó là các doanh nghiệp lỗ nặng. Hiện VASEP đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại mức thuế chống bán phá giá cá tra quá cao, tránh ảnh hưởng quan hệ thương mại hai nước. Vấn đề này còn chờ một thời gian nữa để Bộ Thương mại Mỹ công bố chính thức, khi đó ai được lợi và ai thua thiệt sẽ rõ ràng.