Việt Nam đang thiếu công nhân kỹ thuật bậc cao

(VOH) - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được thiết lập; Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm và tự do dịch chuyển cho người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Để chuẩn bị cho nguồn nhân lực gia nhập thị trường lao động tự do giữa các nước trong khu vực, nguồn nhân lực VN đứng trước những cơ hội và thách thức gì, sự chuẩn bị ra sao… Liên quan đến nội dung này, PV VOH đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

VOH: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực của nước ta hiện nay?

TS Nguyễn Hồng Minh: Nguồn nhân lực VN hiện nay đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Đây là giai đoạn để nền kinh tế có khả năng cất cánh và phát triển trở thành một nước công nghiệp, nếu chúng ta biết sử dụng và tận dụng hết năng lực và chất lượng nguồn nhân lực VN.

Về chất lượng lao động đã từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong năm 2015 này đạt 51,6 % . Trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt 38,5%, đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

VOH: So với các nước trong khu vực ASEAN, hiện tại, chất lượng nguồn nhân lực VN có những điểm mạnh, điểm yếu như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Minh: So sánh với các nước ASEAN, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực có một số điểm mạnh như sau. Thứ nhất, trình độ kỹ năng của người lao động qua đào tạo nghề của VN trong các kỳ thi tay nghề ASEAN, chúng ta luôn đứng ở vị trí cao. Qua 8 kỳ thi tay nghề ASEAN, ta đạt 3 lần giải nhất, 2 lần giải nhì, còn lại là giải 3, 4….chúng ta luôn đứng ở tốp đầu.

Tiếp theo, nhân lực VN có khả năng đảm nhận công việc, vị trí chủ chốt trong các dây chuyền sản xuất, trong các doanh nghiệp có đầu tư vốn nước ngoài. Trước đây, chúng ta phải đi thuê chuyên gia của nước ngoài vào làm việc. Hiện nay, VN đang xuất khẩu lao động sang Malaysia, sắp tới là thị trường Thái Lan.

Đặc biệt, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, tập đoàn VN như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, Vietcombank đã đầu tư sang các nước Lào, Campuchia. Chúng ta đã đưa lao động chất lượng cao của chúng ta sang đó để làm việc. Đây là điểm mạnh của chúng ta trong việc di chuyển nguồn vốn cũng như nguồn lao động sang các nước ASEAN. Những dấu hiệu đó cho thấy tiềm năng đáng kể của lao động VN đã sẵn sàng tham gia hội nhập, đáp ứng được yêu cầu hội nhập trong những năm tới.

Về điểm yếu của lao động VN so với các nước ASEAN: thứ nhất, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của ta còn thấp. Trình độ lao động qua đào tạo nghề có chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên còn thấp so với các nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 2/2015, lực lượng lao động có bằng cấp đạt 20,06%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn chỉ đạt 11,2%; trong khi tỷ lệ này ở thành thị là 33,7%. Còn theo thống kê và cách tính của Bộ Lao động thương binh và xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của ta hiện nay đạt 38,5% trên tổng lực lượng lao động. Như vậy, dù theo cách tính nào thì cũng còn đang thấp so với các nước ASEAN.

Thứ hai, lao động thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo đánh giá của ngân hàng Thế giới, VN đang thiếu lao động lành nghề cao, công nhân kỹ thuật bậc cao. Chất lượng nguồn nhân lực VN là thấp so với các nước. Nếu lấy thang điểm 10 thì VN chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước, do Châu Á tham gia xếp hạng theo Ngân hàng thế giới. Trong khi đó, Hàn Quốc là 6,91 điểm; Ấn Độ là 5,76 điểm; Malaysia 5,59 điểm và Thái Lan là 4,94 điểm.

Thứ ba, năng suất lao động VN rất thấp so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của ILO công bố năm 2014, năng suất lao động VN thuộc nhóm thấp ở Châu Á Thái Bình Dương và ASEAN, chỉ bằng 1/15 so với Singapore; bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan; chưa thể so sánh với Nhật bản...chúng ta rất thấp so với họ.

VOH: Để lao động VN hội nhập, nguồn nhân lực VN cần đáp ứng những yêu cầu gì về nghề nghiệp cũng như các kỹ năng liên quan?

TS Nguyễn Hồng Minh: Để lao động VN có khả năng hội nhập với thị trường lao động các nước trong khu vực, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã trình Chính phủ, ban hành Khung trình độ quốc gia. Trên cơ sở đó, chúng ta làm cơ sở so sánh với các nước trong vấn đề chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ hai, chúng ta phải quy hoạch lại mạng lưới chúng ta, chuẩn bị các điều kiện để chúng ta phát triển nguồn nhân lực. Một là, chúng ta đã trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển dạy nghề, chiến lược phát triển giáo dục đào tạo. Đặc biệt là lĩnh vực dạy nghề chúng ta cũng đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 761 để hình thành các trường nghề chất lượng cao; quyết định 371 về chuyển giao chương trình đào tạo giáo viên tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực và đào tạo thí điểm chất lượng cao, đạt chuẩn chất lượng các nước trong khu vực và trên thế giới.

PV: Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thành lập, Hiệp định TPP cũng đã hoàn tất, đặt ra cho nguồn lao động cơ hội và thách thức cạnh tranh trong thị trường tự do giữa các nước trong khu vực. Theo ông, cần sự chuẩn bị như thế nào để lao động VN đủ khả năng đáp ứng?

TS Nguyễn Hồng Minh: Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực VN. Về chính sách, chúng ta đã trình Quốc hội thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp, luật này sẽ hợp nhất trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề cùng với trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp trở thành đào tạo nghề theo ba cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Đặc biệt, chúng ta đã tham mưu trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị số 37 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực có tay nghề, có trình độ kỹ năng nghề cao.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách 45 trường để tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao đến năm 2020 và phê duyệt 34 nghề cấp độ quốc tế để chuyển giao chương trình từ các nước phát triển trên thế giới, đào tạo giáo viên ở nước ngoài để triển khai đào tạo sinh viên đạt chuẩn quốc tế đến năm 2020.

 Cám ơn ông!