Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nhặt được của rơi nhưng không trả có bị xử lý hình sự không?

(VOH) - Trước câu chuyện "nhặt được điện thoại nhưng quyết không trả cho người đánh mất" đang lan truyền mạng xã hội, nhiều người thắc mắc nhặt được của rơi nhưng không trả thì có bị xử phạt không?

Vừa qua, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện một tài khoản nhặt được điện thoại iPhone 13 nhưng nhất quyết không tìm cách trả lại cho người đánh mất khiến cư dân mạng phẫn nộ.

Theo đó, một tài khoản có tên M.T đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh một chiếc điện thoại kèm theo dòng trạng thái: “Em nhặt được chiếc iPhone 13 mà không có mật khẩu. Ai bẻ được khóa em hậu tại 1 triệu ạ…”.

Nhặt được của rơi nhưng không trả có bị xử lý hình sự không? 1

Bài đăng của tài khoản nhặt được điện thoại khiến cộng đồng mạng bức xúc - Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình

Chưa rõ thực hư câu chuyện như thế nào nhưng dưới bài viết có hàng chục ngàn lượt tương tác và chia sẻ. Hầu hết mọi người để tỏ ra bức xúc, khuyên chính chủ bài viết hãy tìm cách liên hệ với người mất hoặc trình báo với cơ quan chức năng thay vì tìm cách mở khóa điện thoại để sử dụng.

Nhiều tài khoản để lại bình luận: “Trả lại cho người ta đi”, “Làm ơn tìm cách trả lại điện thoại cho người ta đi bạn. Đừng tham lam”, “Có được học đạo đức lớp 1 không bạn?”… Thế nhưng, trước những bình luận chỉ trích, chủ tài khoản vẫn không có động thái tìm cách trả lại, thậm chí còn cho biết sẽ giữ hoặc bán lại khiến nhiều người ngao ngán.

Qua câu chuyện, một số người đã đặt ra câu hỏi, nhặt được của rơi mà không trả lại cho người đánh mất, ngược lại còn có ý muốn chiếm làm của riêng thì liệu có quy phạm pháp luật hay không?

Nhặt được của rơi không trả bị xử lý như thế nào?

Thực tế, có nhiều trường hợp nhặt được tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên nhưng chưa biết phải xử lý tài sản như thế nào.

Theo Điều 230, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên thì phải thông báo hoặc phải trả lại tài sản cho người đó nếu biết địa chỉ; Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi, bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc cơ quan công an để thông báo công khai cho chủ sở tài sản biết đến nhận lại tài sản của mình.

Nếu chiếm giữ tài sản trái phép, tùy tình huống, mức độ mà người nhặt có thể sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 15, nghị định 167  hoặc xử lý hình sự theo Điều 176 (Bộ luật Hình sự 2015) về tội “chiếm giữ trái phép tài sản”.

Cụ thể, theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp chiếm giữ, nhặt được của rơi không trả có giá trị tài sản dưới 10.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Trường hợp nhặt được của rơi không trả, cố tình chiếm giữ tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 về tội chiếm giữ trái phép tài sản:

  • Cố tình chiếm giữ tài sản của người khác từ 10.000.000 đến 200.000.000 đồng hoặc có giá trị dưới 10.000.000 đồng nhưng là cổ vật; những vật có giá trị văn hóa có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng hoặc phạt từ 1 đến 2 năm tù.
  • Chiếm giữ tài sản có giá trị trên 200.000.000 đồng hoặc bảo vật quốc gia có thể bị phạt từ 1 đến 5 năm tù.

Nên làm gì khi nhặt được tài sản người khác đánh rơi?

Căn cứ quy định Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 29/2018, khi nhặt được tài sản của người khác nhưng không tìm được chủ sở hữu tài sản, bạn có thể mang tài sản đến giao cho công an hoặc UBND cấp xã gần nhất. Cơ quan tiếp nhận sẽ lập biên bản về việc tiếp nhận tài sản. Sau đó công an hoặc UBND nơi nhận sẽ công bố, thông báo công khai tìm chủ sở hữu và phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

Sau 1 năm nếu chủ sở hữu không đến nhận hoặc không xác định được chủ sở hữu thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

  • Tài sản có giá trị ≤ 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản.
  • Tài sản có giá trị > 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
  • Trường hợp tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước. Người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Việc nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất là một nghĩa cử cao đẹp. Đó có thể là những vật có giá trị đối với người đánh mất. Vì vậy, khi nhặt được tài sản đánh rơi mỗi cá nhân nên tìm cách trả lại cho chủ sở hữu. Nếu không thể liên lạc với chủ nhân của tải sản cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ theo đúng quy định.

Bình luận