Thông qua bài văn khấn Thành hoàng làng, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính với vị thần bảo hộ cho làng đồng thời gửi gắm lời cầu mong về một cuộc sống bình an, thuận lợi.
Văn khấn Thành hoàng làng
Đình làng là nơi thờ Thành hoàng. Khi tới đây vào các dịp lễ, Tết, ngày Sóc, ngày Vọng… ngoài mâm lễ, chúng ta còn cần chuẩn bị bài văn khấn phù hợp. Dưới đây là bài khấn Thành hoàng làng được lưu truyền rộng rãi, bạn có thể tham khảo và lưu lại để sử dụng.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.
Con xin kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn Thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.
Hương tử con là… Ngụ tại…
Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Hương tử con đến nơi…
Thành tâm kính nghĩ: Đức Đại Vương nhận mệnh Thiên Đình giáng lâm trên
đất nước Việt Nam làm Bản cảnh Thành Hoàng chủ tể một phương bấy nay
ban phúc lành che chở cho dân. Nay hương tử chúng con thành tâm dâng lên lễ bạc, hiến tế hương hoa, phẩm oản… (lễ vật)
Cầu mong đức Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương chứng giám, rủ lòng thương xót, phù hộ che chở cho chúng con sức khỏe dồi dào, mọi sự tốt lành, lắm tài nhiều lộc, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng
Thành hoàng là người cai quản, bảo hộ cho một làng, là từ chung dùng để chỉ vị Phúc thần - vị thần ban phúc cho dân làng - được thờ trong một làng quê.
Theo Thần làng và Thành hoàng của tác giả Nguyễn Duy Hinh: “Thành Hoàng là một trong những vị thần làng được vua phong tước vương, đại diện cho vua đứng đầu chư thần trong làng”.
Thành hoàng làng thường là nhân vật biểu tượng của sức mạnh tự nhiên, hay một nhân vật lịch sử, người có công với làng. Thông thường, mỗi làng thờ một Thành hoàng. Tuy nhiên cũng có những làng thờ nhiều hơn một vị Thành hoàng hay nhiều làng cùng thờ một vị Thành hoàng.
Đình là nơi thờ Thành hoàng làng. Các vị thần cũng được chia thành các cấp bậc như Thượng đẳng thần (ví như Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Liễu Hạnh Công chúa…); Trung đẳng thần (những vị thần mang tính địa phương); Hạ đẳng thần (người có công giúp làng: khai phá, lập ra làng, mang nghề đến cho làng…).
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài việc thể hiện lòng biết ơn với người có công với làng xã, người dân thờ cúng Thành hoàng còn là để cầu được bảo vệ, chở che cũng như cầu những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Thông qua đây, ý thức cộng đồng và giữ gìn luật lệ, lề lối gia phong của làng xã cũng được bộc lộ rất rõ ràng.
Tại các làng xã, việc thờ cúng Thành hoàng được thực hiện đều đặn quanh năm, từ ngày thường cho đến ngày Sóc (mùng 1 đầu tháng Âm lịch), ngày Vọng (ngày rằm theo Âm lịch), các dịp lễ, Tết, đặc biệt là trong các lễ hội, các dịp tế lễ Thành hoàng làng. Hay khi có sự kiện quan trọng nào đó, dân làng cũng ra đình cúng lễ để báo cáo, tạ ơn...
Đôi điều về việc cúng Thành hoàng làng
Lễ vật cúng
Khi cúng Thành hoàng làng, ngoài việc chuẩn bị bài văn khấn thì chúng ta cũng cần lưu ý đến phần lễ vật.
Lễ mặn dâng cúng Thành hoàng làng thường gồm gà, lợn, giò, chả… nấu chín. Tùy người cúng cũng như phong tục của địa phương mà mâm cúng có thể thay đổi.
Với lễ vật cúng Thành hoàng làng trong các dịp lễ hội, lễ tế của làng thì thường có con lợn to và béo nhất làng, hoa quả, xôi, sản vật địa phương…
Gợi ý trình tự dâng lễ cúng Thành hoàng làng
- Trước khi cúng Thành hoàng làng, chúng ta cần làm lễ trình - lễ cáo Thần linh, Thổ địa nơi đến dâng lễ.
- Bày biện, sửa sang lễ vật, đặt lễ vào các ban. Lưu ý khi dâng lễ phải dùng cả hai tay, khi đặt lễ lên bàn thờ phải cẩn trọng.
- Sau khi đặt xong lễ vật lên ban thì châm hương (số lẻ), dâng hương lên ngang trán, vái 3 vái rồi kính cẩn cắm hương vào bát hương trên bàn thờ. Nếu có sớ thì kẹp vào giữa bàn tay hoặc đặt lên một chiếc đĩa nhỏ, hai tay cầm sớ dâng lên ngang trán, vái 3 lần.
- Thường, thỉnh 3 hồi chuông xong mới khấn lễ.
- Sau khi nhang cháy hết thì xin hạ sớ, hạ lễ.
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng được xem là là sợi dây gắn kết cộng đồng, duy trì truyền thống và là điểm tựa tâm linh của mỗi làng quê. Hy vọng qua bài viết của VOH bạn sẽ hiểu thêm về nét đẹp này đồng thời có được những gợi ý hữu ích về cách khấn, chuẩn bị lễ vật cúng Thành hoàng tại đình làng.
Theo dõi chuyên mục Thường thức để đọc thêm nhiều bài viết hữu ích!
*Bài viết mang tính tham khảo.