Văn khấn, cách bao sái bàn thờ, rút tỉa chân nhang dịp cuối năm

VOH - Bao sái bàn thờ thường diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp cho đến trước ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết). Nghi lễ quan trọng này sẽ giúp gia chủ đón những điều tốt lành, may mắn trong năm mới.

Trong đời sống tâm linh của người Việt, bát hương có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, thông thường nếu không có việc bắt buộc thì mọi người sẽ không động vào bát hương.

Tuy nhiên, số lượng chân hương sẽ tăng lên sau một năm thờ cúng. Theo quan niệm dân gian, bát hương đầy không chỉ khó thắp hương mà còn cản trở việc lưu chuyển, ảnh hướng đến vận khí của gia chủ. Cho nên vào dịp cuối năm, người Việt thường có nghi lễ bao sái bàn thờ.

Bao sái bàn thờ là gì?

Bao sái bàn thờ là lau dọn, sắp xếp lại bàn thờ, tỉa chân hương để đón gia tiên về ăn Tết. Việc này giúp nơi thờ cúng của các gia đình sạch sẽ, phong quang, trang nghiêm. Ngoài ra, nó cũng mang ý nghĩa loại bỏ những điều chưa tốt của năm cũ, đón điều may mắn, tốt lành trong năm mới và bày tỏ lòng biết ơn, thành kính với tổ tiên, các vị thần linh.

Các bài văn khấn bao sái bàn thờ

Trước khi bao sái bàn thờ, rút tỉa chân nhang, chúng ta phải có lời xin phép tổ tiên, các vị thần linh. Không được tự ý động chạm, lau dọn vì như vậy được coi là mạo phạm, kinh động đến các chư vị thần linh.

Sau đây, VOH sẽ tổng hợp giúp bạn đọc một số bài văn khấn bao sái bàn thờ được nhiều người tin tưởng lựa chọn.

Văn khấn bao sái bàn thờ, rút tỉa chân nhang

Nam Mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần)

Con kính lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương.

Con kính lạy ngài đương niên Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần.

Con kính lạy ngài bản cảnh Thành Hoàng chư Vị Đại Vương.

Con kính lạy ngài bản xứ Thần linh, bản gia Thổ Địa

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân

Con kính lạy các bậc Tiên gia, các chư vị Tôn Thần cai quản trong đất này, xứ này.

Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, cô dì tỷ muội, nội ngoại dâu rể, hội đồng Gia tiên họ......

Cúi xin các ngài cùng Gia tiên chứng lễ hiển linh chứng giám lòng thành của con cháu.

Hôm này, ngày...... tháng......năm...... (âm lịch)

Tên con là...... sinh năm......

Cùng các các thành viên gia đình: (Họ tên......, năm sinh......), ngụ tại địa chỉ......

Hôm nay, nhằm ngày lành tháng tốt cuối năm mãn khí, gia đình chúng con xin phép các chư vị Tôn Thần cùng Hội đồng gia tiên họ...... Xin phép cho chúng con rút tỉa chân nhang, bao sái ban thờ để đón Tết Nguyên đán...

Chúng con xin phép chư vị Tôn Thần: Ngài Đương Niên Thái Tuế, ngài bản cảnh Thành Hoàng, ngài bản gia Táo Quân cùng các chư vị Tôn Thần chứng giám lòng thành. Cầu xin các ngài che chở cho gia đình chúng con bốn mùa hưng vượng, có quý nhân phù trợ, tài lộc vượng tiến, tai ách đều qua, tâm cầu sở đắc, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con xin phép Gia tiên tiền tổ, hương linh nội ngoại, đồng đẳng gia quyến họ...... Cầu xin Gia tiên phù hộ cho gia trung thuận hòa, gia đạo hưng vượng, cảnh nhà yên vui, con cháu thông minh học giỏi, vợ chồng thương yêu bảo ban nhau, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cầu xin các ngài cùng Gia tiên hoan hỉ chứng lễ. Chúng con tâm thành cẩn cáo.

Nam Mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần)

Văn khấn, cách bao sái bàn thờ, rút tỉa chân nhang dịp cuối năm 1
Bao sái bàn thờ chính là dọn dẹp, sắp xếp lại bàn thờ, rút tỉa chân nhang - Ảnh: Internet

Bài khấn bao sái bàn thờ gia tiên theo Văn khấn cổ truyền

Bài khấn 1

Con Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con xin tấu lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương.

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con là...... Ngụ tại......

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ dòng họ...... tại......(địa chỉ nhà ở, quê).

Hôm nay là ngày......... tháng...... năm…... (âm lịch), con xin phép được bao sái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ, đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ...... chấp thuận.

Nam Mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần)

Bài khấn 2

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần)

Tín chủ tên là…… Cư ngụ tại địa chỉ......

Hôm nay ngày…... tháng…... năm...... xét thấy bản thân mình chưa đủ chu toàn nên để hương án bị bụi, tín chủ con xin thành tâm sám hối.

Tín chủ con xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó thờ ai, thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ con được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm và thanh tịnh nhất. Kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ.

Mong các vị độ cho chúng con lau dọn được chỉn chu, khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.

Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ, kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần, đọc xong vái 3 vái)

Văn khấn bao sái bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa

Bài khấn 1

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần)

Con lạy 9 phương trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên Hậu thổ, Ngũ phương Ngũ thổ, Long mạch Thổ thần, Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con là…... Ngụ tại……

Con xin tấu lạy nhị vị Thần Tài vị tiền, Thổ Địa vị tiền đang cai quản tại địa chỉ......

(Nếu trang thờ có 3 vị thì khấn: Con xin tấu lạy tam vị thiên Thần Tài vị tiền, nhân Thần Tài vị tiền, Thổ Địa vị tiền đang cai quản tại địa chỉ…).

Hôm nay là ngày…... tháng…..., con xin phép được bao sái lại bàn thờ, trang thờ chư vị linh thần để cho sạch sẽ thanh tịnh. Mong chư vị chấp thuận.

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần)

Bài khấn 2

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần)

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh táo phủ Thần quân.

Con kính lạy các ngài Thần Tài vị tiền.

Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong khu vực này.

Tín chủ chúng con là...... Ngụ tại......

Hôm nay nhân ngày...... tháng Chạp, theo tục lệ cuối năm cũng là chuẩn bị Tết Nguyên đán, tín chủ con cảm nghĩ thâm ân trời đất, nhớ đức cù lao tiên tổ, xin phép chư vị thánh tiên, Thổ Công Thổ Địa táo phủ Thần quân, chư vị Thần Tài - Thổ Địa, gia tiên tổ đường nội ngoại ba bề bốn bên họ…..., họ...…. cho phép tín chủ con được tỉa chân nhang, báo sái lau dọn ban thờ.

Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. Cẩn cáo!

Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần)

Văn khấn sau khi bao sái bàn thờ

Nam mô a di Đà Phật! (đọc 3 lần)

Con lạy 9 phương trời.

Con lạy 10 phương đất.

Con kính lạy chư Phật 10 phương.

Con kính lạy 10 phương chư Phật.

Con kính lạy quan đương niên, đương cảnh, quan hành khiển, thần binh.

Con kính lạy các Ngài ngũ phương, ngũ mạch, Tài Thần, Táo Quân.

Tín chủ con là…… Cư trú tại……

Hôm nay tân niên xuân tiết, ngày lành tháng tốt. Con chọn được thời khắc hoan hỉ để sái tịnh lại hương án.

Nay việc dương đã tròn, cũng thỉnh các vị các ngài hồi vị hương án cho con được tiếp tục phát tâm thờ phụng cốt vị.

Nam cũ lộc tài con xin tạ.

Năm mới lộc mới con mong cầu.

Xin các vị các ngài độ cho tấm lòng thành, phù cho gia chủ con được an bình, thuận lợi. Xuất hành đi đến nơi về đến chốn.

Cuộc sống duyên lành mang tới, duyên dữ mang đi.

Tài lộc đủ đầy, việc dương thăng tiến.

Tâm trần con có.

Lễ trần con dâng.

Nếu âm điều con có thiếu sót, kính xin được tha thứ, chở che.

Mong các vị các ngài linh thiêng giáng hạ, chúng con xin kính thành cẩn cáo.

Nam Mô A Di Ðà Phật! (đọc 3 lần)

Xem thêm:
49 câu đối bàn thờ hay nhất
17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt
Cây nêu là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục dựng cây nêu ngày Tết

Bao sái bàn thờ vào ngày nào?

Gia đình nào cũng muốn chọn ngày đẹp để bao sái bàn thờ vì đây là một nghi lễ quan trọng. Theo đó, nếu thực hiện trước Tết Nguyên đán, mọi người có thể cân nhắc những thời điểm sau.

Văn khấn, cách bao sái bàn thờ, rút tỉa chân nhang dịp cuối năm 2
Các gia đình cần hoàn thành việc dọn dẹp bàn thờ, tỉa chân hương trước ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp - Ảnh: @m.a.r.y.h.o.a.n.g

Ngày 23 tháng Chạp

Lễ cúng ông Công ông Táo đánh dấu sự bắt đầu của chuỗi nghi lễ thờ cúng cuối năm. Vì vậy, thời điểm này được xem là thích hợp cho việc lau dọn bàn thờ.

Về vấn đề được nhiều người thắc mắc là bao sái bàn thờ trước hay cúng ông Công ông Táo trước, câu trả lời là chúng ta nên thực hiện khi đã hoàn tất lễ cúng.

Vì theo quan niệm dân gian, sau khi ông Công ông Táo lên chầu trời, các vị thần sẽ rời đi. Lúc này bàn thờ trống nên thích hợp cho việc lau dọn, rút tỉa chân nhang mà không sợ ảnh hưởng đến việc thờ cúng hay động chạm đến bàn thờ.

Trước lễ cúng Tất niên ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp

Trên thực tế, do bận chuẩn bị cho lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời nên nhiều gia đình không có đủ thời gian để bao sái bàn thờ ngay trong ngày 23 tháng Chạp. Với trường hợp này, chúng ta hoàn toàn có thể chọn các ngày đẹp và phù hợp sau đó.

Lưu ý, việc bao sái bàn thờ, rút tỉa chân nhang cần được làm xong trước ngày 30 tháng Chạp (hoặc 29 tháng Chạp). Vì ông Công, ông Táo sẽ trở lại trần gian vào ngày này.

Ngoài ra, chúng ta cũng không nên làm nghi lễ bao sái bàn thờ vào buổi tối mà phải làm vào ban ngày.

Xem thêm:
Ngày đẹp cúng Tất niên 2024 - Gợi ý mâm cỗ cúng Tất niên đơn giản, đầy đủ nhất
10 bài văn khấn mùng 1 Tết chi tiết và đúng chuẩn
Tổng hợp các bài văn khấn mùng 2 Tết

Cách bao sái bàn thờ dịp cuối năm 

Bao sái bàn thờ sao cho đúng và không phạm phải những điều kiêng kỵ? Bạn có thể tham khảo những gợi ý sau.

Các bước lau dọn bàn thờ, rút tỉa chân nhang

Chuẩn bị dụng cụ

Các dụng cụ dùng để lau dọn bàn thờ như khăn lau, chổi nhỏ, chậu nhỏ, nước bao sái bàn thờ... cần được chuẩn bị riêng.

Xin phép tổ tiên hoặc thần linh

Người thực hiện việc bao sái bàn thờ tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng, chỉn chu, lịch sự, đọc văn khấn và thắp hương xin phép.

Tùy vào điều kiện mà các gia đình chuẩn bị lễ xin bao sái bàn thờ cho phù hợp. Lễ to hay nhỏ không quan trọng, quan trọng nhất là tấm lòng và sự thành tâm.

Bạn có thể dâng lên một đĩa hoa quả hoặc làm một lễ nhỏ gồm có xôi, thịt luộc, trái cây, trà, rượu, nước sôi để nguội, tiền vàng, hoa tươi… 

Lau dọn bàn thờ

Sau khi hương tàn, gia chủ có thể tiến hàng lau dọn bàn thờ, tỉa chân nhang. Dân gian cho rằng nên tránh việc xê dịch các bức tượng, bài vị, bát hương. Trong trường hợp bắt buộc phải làm thì cần làm lễ xin phép và di chuyển về đúng vị trí ban đầu sau khi hoàn thành.

Khi lau dọn, chú ý lau từ trên cao xuống dưới thấp.

Đầu tiên, hạ các đồ muốn lau dọn xuống một chiếc bàn to, cao được phủ vải hoặc giấy đỏ. Không nên lau đồ trực tiếp trên bàn thờ. Với các gia đình bàn thờ đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì cần để ra hai chỗ khác nhau.

Dùng khăn sạch nhúng các loại nước bao sái đã chuẩn bị để lau đồ thờ. Sau đó dùng một chiếc khăn khô sạch để lau lại. Các đồ vật được lau xong phải xếp ngay ngắn, trang nghiêm.

Văn khấn, cách bao sái bàn thờ, rút tỉa chân nhang dịp cuối năm 3
Người phụ trách việc bao sái bàn thờ phải là người cẩn thận, chỉn chu, có tâm trong việc thờ cúng - Ảnh: Internet

Rút tỉa chân hương

Tiến hành rút từng chân hương một cho đến khi còn lại số chân hương đẹp nhất (thường là số lẻ như 3, 5, 7, 9…).

Về số chân nhang để lại, bạn có thể tham khảo một số thông tin sau:

  • Để lại số lẻ: 15, 17, 19 chân nhang.
  • Để lại 25, 27, 29 chân nhang nếu là người làm ăn lớn.
  • Trạch chủ (người đứng tên nhập trạch) là nam thì để lại 7, 17, 27, 37 chân nhang, là nữ thì để lại 9, 19 hoặc 29, 39 chân nhang.
  • Giữ lại 15 hoặc 25 chân nhang với bát hương thờ Thần Linh thổ công.
  • Giữ lại  17 hoặc 27 chân nhang nếu là bát hương thờ cộng đồng gia tiên.
  • Giữ lại 19, 29 chân nhang với bát hương thờ bà cô ông mãnh.
  • Với bát hương của người đã mất nhưng chưa qua 3 năm, đàn ông thì để lại 7 chân hương, đàn bà để lại 9 chân hương.
  • Bát hương quan thần linh tỉa hết, chỉ giữ lại 5 chân nhang.

Phần chân hương được rút ra sẽ mang đi hóa tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây trong vườn nhà. Không được vứt lung tung.

Chú ý, chỉ lau dọn, vệ sinh ở xung quanh chứ không làm xê dịch hoặc bê bát hương xuống, không xê dịch bàn thờ. Dùng khăn riêng, sạch lau từ miệng bát hương trở xuống. Sau khi vệ sinh xong, bát hương đặt yên vị trên bàn thờ thì không được xê dịch nữa.

Lau dọn bàn thờ, tỉa chân hương xong, gia chủ đặt đồ cúng về đúng vị trí. Thay nước, chum gạo muối (nếu có).

Thắp hương mời quan thần linh và gia tiên trở về

Khi việc bao sái bàn thờ hoàn thành, gia chủ thắp hương cẩn cáo mời quan thần linh và gia tiên trở về.

Nước bao sái bàn thờ

Khi bao sái bàn thờ cuối năm, chúng ta không dùng nước lạnh, nước lã. Dưới đây là một số loại nước thích hợp cho công việc này, giúp gia chủ phúc lộc dồi dào, gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Nước ngũ vị

Nước ngũ vị chứa đinh hương, quế, hồi, bạch đàn, gỗ vang. Đây là loại nước lau rửa bàn thờ có tính nóng, mùi hương dễ chịu, được sử dụng rất phổ biến và có thể mua sẵn hoặc tự làm.

Trong dân gian, những loại thảo mộc trong nước ngũ vị có thể giúp xua đuổi xui rủi, uế khí, tà ma đồng thời chống ẩm mốc, đuổi côn trùng.

Nước rượu pha gừng

Dân gian quan niệm, nước rượu gừng (gừng pha rượu và nước ấm) không chỉ có tác dụng làm sạch mà còn giúp thu hút tài lộc, may mắn, xua đuổi tà ma, xui xẻo. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng đồ thờ cúng bị hư hỏng, bong tróc, bay màu thì nên cân nhắc.

Văn khấn, cách bao sái bàn thờ, rút tỉa chân nhang dịp cuối năm 4
Nước rượu pha gừng là một trong những loại nước bao sái bàn thờ được nhiều người sử dụng - Ảnh: Internet

Nước mùi già

Nước mùi già với hương thơm thoang thoảng cũng là một trong những loại nước thường được dùng để lau dọn bàn thờ. Theo người xưa, nó có thể giúp xua đi những điều không may mắn.

Nước ngâm hoa tươi

Hoa tươi cũng có thể được dùng làm nước bao sái bàn thờ. Bạn chỉ cần chọn những loại hoa phù hợp, ngắt cánh rồi ngâm trong nước ấm là có thể sử dụng.

Nước ấm

Trong trường hợp chưa thể chuẩn bị các loại nước trên, chúng ta có thể dùng nước ấm để lau dọn bàn thờ.

Một số điều cần lưu ý khi bao sái bàn thờ, bát hương

  • Nghi lễ bao sái phải do gia chủ thực hiện, người chỉn chu, có tâm trong việc thờ cúng.
  • Trong quá trình lau dọn bàn thờ, tỉa chân nhang, cần hết sức cẩn thận, tránh làm rơi vỡ. 
  • Nếu bỏ bớt tro trong bát hương, không nên thay toàn bộ thổ vị (tức cát, tro trong bát hương) mà nên giữ lại 1/3. Khi thay tro mới vào bát hương, cần ấn chặt để cắm hương được chắc chắn. Tro trong bát hương không nên để quá đầy vì còn có tàn hương rơi xuống.
  • Khu vực xung quanh bàn thờ cũng cần được dọn dẹp sạch sẽ, giữ cho thông thoáng để nạp sinh khí tốt.

Với người Việt, bao sái bàn thờ không chỉ là là việc dọn dẹp khu vực thờ cúng mà còn là một nghi lễ tâm linh quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc. Hy vọng, những thông tin của VOH Thường thức có thể giải đáp phần nào những băn khoăn của bạn đọc về việc nên dọn bàn thờ cuối năm như thế nào cho đúng.

(*) Thông tin bài viết chỉ mang tính chất chiêm nghiệm, tham khảo.

Bình luận