Chờ...

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt

(VOH) - Bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt, thể hiện khát vọng về một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Phong tục thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Phong tục này không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” mà còn mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ sau, dù đi đâu cũng luôn nhớ đến nguồn cội, gốc rễ của mình: “Con người có tổ có tông  - Như cây có cội như sông có nguồn”. Do đó, bàn thờ gia tiên luôn được người Việt xem trọng, đặc biệt là khi mỗi dịp Tết đến Xuân về. 

1. Bàn thờ gia tiên - Văn hóa thờ cúng của gia đình Việt

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, bàn thờ gia tiên là nơi hội tụ những giá trị văn hóa thiêng liêng, thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Với quan niệm “Trần sao âm vậy”, "Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn", nên con cháu đã lập ra bàn thờ để làm nơi tưởng nhớ, thờ cúng người đã khuất. Tùy theo phong tục của mỗi địa phương, điều kiện của mỗi gia đình, mà cách sắp xếp bàn thờ có những sự khác biệt. Song về cơ bản, bàn thờ gia tiên phải ở nơi cao ráo, sạch sẽ, trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà nhiều tầng…). 

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 1
Bài trí bàn thờ là cách con cháu thể hiện lòng thành kính, biết ơn đến các vị thần linh và những người đã khuất

Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, là biểu hiện của lòng hiếu thảo, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của bậc tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình. Đây được xem là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.

Xem thêm:
Ông Công ông Táo và những sự tích về tình nghĩa vợ chồng giữa 2 ông 1 bà, sắt son nhưng éo le
Vị trí đặt mâm cúng ông Táo nơi nào mới đúng?
Nên cúng 1, 2 hay 3 con cá chép trong lễ cúng ông Công ông Táo?

2. Cách sắp xếp bàn thờ gia tiên

2.1 Sắp xếp những đồ thờ cúng trên bàn thờ gia tiên

Khi lập bàn thờ gia tiên mới hoặc chuyển bàn thờ gia tiên sang nhà mới hay vị trí mới, gia chủ cần bài trí bàn thờ đúng để mang đến may mắn, tài lộc cho các thành viên trong gia đình cũng như xua đi vận xui. 

Đồ cúng được chia thành các ngũ hành khác nhau. Vì vậy, gia chủ có thể dựa vào yếu tố này để sắp xếp bàn thờ gia tiên theo phong thủy. 

  • Khám thờ, ngai thờ: Thông thường khám thờ được làm bằng gỗ và chạm khắc hoa văn rất tinh xảo. Vị trí của khám thờ được đặt ở sau cùng, sát với tường và được dùng để đặt bài vị tổ tiên. Ngai vàng cũng giống như khám thờ và có thể thay thế cho khám thờ do ngai vàng có thiết kế nhỏ gọn hơn.
  • Hoành phi, câu đối bàn thờ gia tiên bằng gỗ: hoành phi được treo cao nhất trên tường phía sau cùng bàn thờ gia tiên. 2 câu đối sẽ được treo ở 2 bên bàn thờ và treo ngang hàng với hoành phi.
  • Bộ đỉnh hương: gồm 3 bộ phận là lư hương và đôi đèn. Lư hương sẽ được đặt ở giữa bàn thờ và 2 bên là đôi nến bằng đồng hoặc 2 con hạc sứ.
  • Bát hương: Việc đặt bát hương trên bàn thờ gia tiên cực kỳ quan trọng cần tuân thủ theo 3 cấp bậc. Theo đó, vị trí đặt bát hương thờ sẽ theo các yêu cầu sau:
    - Nhìn ở góc độ trực diện, bát hương chính giữa sẽ là thần linh, bên trái là bà cô Tổ, bên phải sẽ là gia tiên.
    - Bát hương thần linh thường cao hơn so với 2 bên và tất cả 3 bát hương phải được đặt trên bục chắc chắn.
    - Theo phong thủy, nếu việc thờ cúng không tối, vị trí đặt bàn thờ rồi cách bài trí bát hương không phù hợp sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến vận khí và may mắn của gia chủ.
  • Chân nến: Cặp chân nến thường được bài trí ở 2 bên góc bàn thờ sát với tường. Trong đó, bên trái tượng trưng cho Mặt Trời, bên phải tượng trưng cho Mặt Trăng.
  • Kỷ chén và chóe nước thờ: Trong cách sắp xếp bàn thờ gia tiên theo phong thủy, kỷ chén thường được đặt ngay phía trước bàn thờ. Chén dùng để đựng nước hoặc rượu trước khi thực hiện lễ cúng.
  • Ống cắm hương: Thường được đặt ở vị trí bên phải bàn thờ hướng nhìn từ ngoài vào trong.
  • Bình hoa và mâm quả: Mâm quả thường được đặt ở vị trí bên trái bàn thờ hướng nhìn từ ngoài vào và bình hoa sẽ được đặt ở bên trái bàn thờ.
  • Lọ lục bình: Lọ lục bình được đặt cân xứng ở 2 bên bàn thờ.

Sau đây là sơ đồ bàn thờ gia tiên mà bạn có thể tham khảo.

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 2

2.2 Kiêng kỵ trong sắp xếp bàn thờ gia tiên

Việc sắp xếp bàn thờ gia tiên đúng giúp tổ tiên an định; là cách bày tỏ tấm lòng thành kính, sự chu toàn của con cháu; đồng thời thể hiện khát vọng, mong muốn được khỏe mạnh, bình an và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Do đó, khi bài trí và sắp xếp bàn thờ gia tiên, gia chủ cần lưu ý những điều sau.

  • Không gian thờ tự phải luôn sạch sẽ, thoáng mát.
  • Hướng bàn thờ nhất định phải quay ra cửa chính, không được đặt ở hướng Ngũ Quỷ.
  • Bát hương phải quay mặt về phía trước, tốt nhất là dùng nát hương bằng sứ, sau đó đến đồng.
  • Không được đặt bàn thờ sát nhà tắm, lối đi lại, dưới xà nhà hay trên nóc tủ.
  • Không lấy gỗ đã qua sử dụng để làm bàn thờ.
  • Bàn thờ Thần và Phật có thể để chung, song không nên để bát hương sát nhau.
  • Bàn thờ tổ tiên không nên đặt ở trung tâm nhà, vì sợ hung. Thay vào đó, bàn thờ Phật có thể đặt ở vị trí này.
  • Bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật không nên đặt đối nhau trong 1 gian phòng.
  • Không nên treo ảnh người quá cố cao hơn bàn thờ.
  • Đặt bàn thờ sát tường, không đặt chênh vênh giữa nhà.
  • Bóng đèn phía trước không nên xung với ban thờ, không nên dùng đèn chiếu. 
  • Không được có máy móc như máy điều hòa, máy hút mùi, loa đài… bên trên bàn thờ...
Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 3
Kiêng kỵ trong sắp xếp bàn thờ gia tiên

3. Bàn thờ gia tiên ngày Tết cần những gì?

Bàn thờ gia tiên là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Nơi linh thiêng này luôn rực rỡ mỗi độ Xuân sang. Bởi ngày Tết không chỉ là dịp sum vầy của các thành viên trong gia đình sau một năm vất vả ngược xuôi, mà còn là dịp “trở về” của ông bà, tổ tiên trong ý niệm về tâm linh. 

3.1 Chuẩn bị gì cho bàn thờ gia tiên ngày Tết?

Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình. Thông thường, vào ngày Tết, bàn thờ gia tiên thường có: 

Đồ thờ cúng gồm bát hương, đèn nến, nước tinh khiết… đại diện cho “đất - nước - lửa - gió” trong thiên nhiên, đồng thời tượng trưng cho tấm thân tứ đại của mỗi người. Bát hương trên bàn thờ gia tiên được đặt chính giữa thể hiện cho tinh tú. Trên bát hương cắm hương vòng tượng trưng cho trục vũ trụ. Hai góc ngoài của bát hương luôn có đèn, nến tượng trưng cho Mặt Trời (bên trái) và Mặt Trăng (bên phải). Bát hương trong văn hoá Việt như sợi dây tâm linh vô hình, để mỗi khi gia chủ thắp hương cầu nguyện, thần linh và tổ tiên có thể chứng giám được lòng thành. 

Đồ dâng cúng không thể thiếu mâm ngũ quả, trầu cau và bánh trái được đặt lên bàn thờ gia tiên, nhằm thể hiện lòng thành kính của con cháu trong những ngày đầu năm mới. Mâm ngũ quả gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau tượng trưng cho 5 điều nguyện ước của con người: Phúc (hạnh phúc), Lộc (giàu có), Thọ (Sống lâu), Khang (Minh mẫn), Ninh (an yên); đồng thời cũng tượng trưng cho ngũ hành tương sinh (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ). 

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 4
Mâm ngũ quả ngày Tết là một phong tục đẹp của người Việt

Các loại hoa chọn để lên bàn thờ thường là các loại hoa có mùi thơm như hoa huệ, hoa ly, hoa cúc… Tránh chọn các loại hoa có gai sắc nhiều sát khí, hoặc những loại hoa có mùi quá gắt. Thông thường, để mang đậm không khí Tết cổ truyền, nhiều gia đình sẽ cắm một cành đào, hoặc một cành mai trong lọ sứ lớn đặt trên bàn thờ. Cây mía được đặt ở bên bàn thờ với ngụ ý để các “cụ” chống gậy về vui với con cháu.

Các gia đình thường ưu tiên chọn bánh kẹo có sắc đỏ, vàng đặt lên bàn thờ. Theo quan niệm của người Việt, màu đỏ mang ý nghĩa về hạnh phúc, còn sắc vàng tượng trưng cho sự giàu sang. 

Ngoài ra, trong phong tục Tết cổ truyền của người Việt, bánh chưng - bánh dày tượng trưng cho Trời - Đất. Đây cũng là thứ bánh được làm bằng lượng thực, đại diện cho sự ấm no, thịnh vượng nên là lễ vật không thể thiếu. Khi bày lễ, chú ý rằng bánh chưng phải để theo cặp (2 chiếc) cho trọn vẹn quan hệ phu - phụ thuận hòa.

Việc bài trí cho bàn thờ tổ tiên sẽ làm tăng phần trang trọng nơi thờ phụng và làm cảnh quan ngày Tết gia đình thêm ấm áp, rực rỡ. 

3.2 Lưu ý khi chuẩn bị đồ dâng cúng trên bàn thờ gia tiên

Đồ dâng cúng như hoa quả, bánh trái, trầu cau… ngoài ý nghĩa bày tỏ lòng thành, sự hiếu kính của con cháu, còn tượng trưng cho quy luật Nhân - Duyên - Quả trong vũ trụ.

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 5
Lưu ý khi chuẩn bị đồ dâng cúng trên bàn thờ gia tiên

Do đó, các gia đình nên chọn đồ thật để thờ cúng, không được bày đồ giả mã, đồ giả như lá ngọc cành vàng, cây cảnh, quả giả… Không nên bày các đồ tanh hôi, sát sinh, hoa quả hỏng lên bàn thờ, vì như vậy sẽ không còn trang nghiêm, thanh tịnh nữa. Chỉ nên cúng tịnh tài (tiền thật), tịnh vật (đồ cúng phải là đồ thật, còn mới), hoa tươi.

Xem thêm:
Vì sao nói 'Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy’?
Thanh lọc 3 thứ sau vào dịp cuối năm để tăng chất lượng sống
5 chủ đề không nên hỏi vào dịp Tết nếu không muốn bị gọi là ‘vô duyên’

4. Hướng dẫn lau dọn bàn thờ gia tiên

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho biết, việc lau dọn bàn thờ còn được gọi là lễ bao sái. Việc này cần được tiến hành thường xuyên để tỏ lòng thành, hiếu nghĩa, tri ân với người đã khuất. 

4.1 Nên lau dọn bàn thờ gia tiên vào ngày nào?

Theo Giáo sư Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, nhiều người có quan niệm phải chờ sau ngày 23 tháng Chạp, tức là sau khi ông Công - ông Táo về trời mới được dọn dẹp bàn thờ, nếu không sẽ làm kinh động đến thần linh. Tuy nhiên, không có một tài liệu nào ghi chép về điều này. Hơn nữa, việc giữ cho bàn thờ sạch đẹp là điều cần thiết, thể hiện lòng tôn kính của con cháu dành cho tổ tiên. Do đó, trong tháng Chạp, gia chủ có thể chọn bất kỳ ngày nào để lau dọn, tân trang bàn thờ. 

4.2 Cách lau dọn bàn thờ gia tiên

Trước khi bắt đầu dọn dẹp, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên rồi thắp hương lên bàn thờ để “xin phép” và mời thần linh, gia tiên tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Sau đó, gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn bên trên trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, bát hương, đèn, nến và đồ trang trí trên bàn thờ. Nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ở hai chỗ khác nhau, không được lẫn lộn. Đợi sau khi hương cháy hết rồi mới bắt đầu công việc.

Khi tỉa bớt chân hương, gia chủ sẽ rút từng chút một cho tới khi còn một số lẻ trong bát hương (thường là 3, 5, 7, 9), không nên để quá nhiều chân hương vì như vậy bát hương bị rác, bàn thờ sẽ nhanh bám bụi. Số còn lại sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Cần lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc nơi ô uế. Với quan niệm “chân hương càng nhiều, càng phát tài lộc”, nhiều gia đình để chân hương quá nhiều, tầng tầng lớp lớp. Theo Tiến sĩ Khanh, đây là quan niệm sai lầm và có phần mê tín dị đoan.

Khi lau rửa bài vị, phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Nếu có bài vị của thần Phật thì lau trước, sau đó đổ nước mới để lau bài vị của tổ tiên. Tuyệt đối không được lau bài vị của tổ tiên trước, bởi theo quan niệm dân gian, lau bài vị tổ tiên trước là mạo phạm với thần Phật.

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 6
Lau dọn bàn thờ cần rất cẩn thận để không làm đổ vỡ đồ thờ cúng

Khi vệ sinh bát hương, gia chủ nên dùng thìa nhỏ múc từng thìa đổ ra ngoài rồi dùng rượu gừng hoặc nước thảo dược, khăn gạc lau sạch từ miệng bát hương trở xuống. Sau đó, sang, sửa bát hương xong đặt yên vị trên bàn thờ, gia chủ không được xê dịch bát hương nữa. 

Khi lau các bức tượng, bạn nên sử dụng khăn mềm để tránh bị xước hoặc bay màu sơn. Đối với các bức tượng bằng đồng, không nên lau rửa bằng rượu, cồn, hoặc hóa chất, để tránh cho đồng khỏi bị ô-xi hóa, han rỉ thành màu xanh hoặc nhanh bị xỉn màu. Đặc biệt, cần tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương. Trong trường hợp có sự cố bất khả kháng buộc phải xê dịch thì sau đó, bạn phải làm lễ thắp hương và di chuyển về đúng vị trí ban đầu.

Khi lau dọn bàn thờ, phải lau dọn từ trên cao rồi mới xuống đến thấp, có thể dùng loại máy thổi hơi để thổi sạch các hạt bụi trong ngóc ngách.

Khi dọn bàn thờ xong, gia chủ hãy thắp 3 nén hương và mời tổ tiên cùng thần linh về quy tụ.

4.3 Văn khấn xin phép bao sái, tỉa chân hương

Dưới đây là văn khấn xin phép bao sái, tỉa chân hương trích từ Văn khấn cổ truyền - Nhà xuất bản Văn hóa thông tin.

Con nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ tên là:

Cư ngụ tại địa chỉ:

Hôm nay ngày .. tháng .. năm... xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án bị bụi, xin thành tâm sám hối.

Tín chủ xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh giám hộ.

Mong các vị độ cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.

Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.

(Xong vái 3 vái).

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 7
Văn khấn xin phép bao sái, tỉa chân hương

4.4 Quy trình bốc bát hương

Sang, sửa bát hương một cách kỹ lưỡng thể hiện sự chu đáo của con cháu trong việc thờ cúng, cũng như tỏ lòng biết ơn đến với ông bà, tổ tiên. Theo quan niệm dân gian, bát hương ảnh hưởng tâm linh đến cuộc sống gia đình cả về tiền tài, danh lợi và hạnh phúc. Do đó, khi bốc lại bát hương, bạn cần tham khảo theo các hướng dẫn của chuyên gia phong thủy. 

  1. Lau rửa sạch: Giã gừng cho vào rượu trắng, dùng khăn sạch nhúng rượu gừng và lau bát hương, để khô.
  2. Nên: Có cốt (tro đốt bằng rơm nếp, có bán tại các hàng mã) và một trong các thất bảo của nhà Phật (ưu tiên đá quý, ngọc như hổ phách, lưu ly, thạch anh... vì có trường khí cao, mua ở các cửa hàng đá quý).
    Không nên: Cho giấy trang kim, hạt nhựa... bán sẵn ở các hàng mã. Cũng không nên cho bùa chú, linh phù... của đạo gia, mật tông... vào bát hương vì sẽ gây ra trường khí âm bất lợi.
  3. Rửa tay sạch sẽ, lần lượt bốc bát hương. Thông thường có ba bát cho thần linh, gia tiên và bà cô.
    Bốc lần lượt từng nắm cốt vào bát. Để cho yên tâm, Phật gia thường khuyên đếm theo số sinh như "sinh, lão, bệnh, tử". Lần lượt đếm và bốc cho đến khi gần đầy miệng bát. Nhớ nắm cuối cùng dừng lại ở số "sinh".
    Không dốc, đổ cho đầy bát hương, mà nên bốc từng nắm. Trước khi bốc bát hương nào thì trong đầu cũng phải nghĩ là "Con ... (họ tên)... xin bốc bát hương cho thần linh (thần linh/gia tiên/bà cô)".
    Bốc xong để riêng từng vị trí, tránh nhầm lẫn. Nếu sợ nhầm, có thể viết giấy dán bên ngoài, đến khi đưa lên bàn thờ cần bỏ ra.
  4. Bốc xong đặt bát hương lên bàn thờ. Bát hương thần linh ở giữa, bát hương bà cô ở tay trái từ trong nhìn ra, bát hương gia tiên bên tay phải.
  5. Sắm lễ: Hoa tươi, quả tươi, nước sạch bày lên bàn thờ. Mở rộng cửa ra vào trước khi thắp hương. Lúc mới đầu mỗi bát hương thắp 3 nén, những lần sau chỉ cần một nén là đủ. Nếu có chân nhang cũ có thể cắm lại mỗi bát 3 chân nhang.
  6. Bố trí: Bát hương đã đặt lên bàn thờ cần giữ nguyên vị trí, không xê dịch. Sau bát hương là phần thờ cúng, chỉ nên để ảnh gia tiên (nếu có), không bày rượu, vàng mã... ở đây. Tất cả đồ thờ dâng lên (hoa tươi, quả tươi...) cần ở phía trước hay bên cạnh bát hương.

4.5 Những kiêng kỵ khi dọn bàn thờ cần biết để tránh xui xẻo

Việc lau dọn bàn thờ tổ tiên cần phải nghiêm túc và thành tâm. Dưới đây là những việc kiêng kỵ gia chủ cần tránh khi tân trang bàn thờ để tránh vận xui đeo bám.

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 8
Những kiêng kỵ khi dọn bàn thờ cần biết để tránh xui xẻo
  • Trước khi lau dọn bàn thờ, người dọn dẹp phải kiêng ăn mắm tôm, tỏi, thịt chó mèo, ba ba, rùa, rắn, khỉ, kiêng uống rượu ngâm cao hổ, rắn…
  • Sử dụng nước đun sôi để nguội; hoặc dùng rượu trắng thêm chút gừng củ giã nhuyễn; hoặc nước đun từ 5 loại thảo dược (quế khô, hồi khô là 2 vị cố định 3 vị còn lại tùy vùng miền sẽ là 3 trong các vị: gỗ vang, đinh hương, bạch đàn, mùi thơm, hương nhu, xả, lá nếp...) để lau dọn bàn thờ.
  • Khi lau dọn bàn thờ, tránh làm xê dịch các bức tượng, ngai thờ gia tiên, bài vị, đặc biệt là bát hương. Bởi bát hương rất quan trọng trên bàn thờ, là nơi giáng của các hương linh, thần, thánh, tổ tiên và thể hiện sự thành kính của người trần thế với cõi tâm linh. Trường hợp có sự cố bất khả kháng phải xê dịch các bức tượng, đồ thờ hoặc bát hương… thì khi lau dọn xong phải sám hối và hoàn nguyên đúng vị trí như ban đầu gọi là làm thủ tục an vị bàn thờ, an vị bát hương.
  • Không được để ánh sáng Mặt Trời rọi vào bàn thờ và các bát hương. Đây là điều đại kỵ. Gia chủ có thể bật đèn điện để lấy sáng chứ không mở toang cửa phòng thờ hay mở toang cửa sổ làm tổn hại năng lượng.

Xem thêm: 
Mâm cúng giao thừa sao để cầu bình an, may mắn?
Ý nghĩa của phong tục lì xì trong ngày Tết
Nguồn gốc ngày vía Thần Tài, mua vàng ngày này có hên cả năm?

5. Thay bàn thờ gia tiên mới

Vào những ngày cuối năm, nhiều gia đình muốn thay mới bàn thờ sau một thời gian dài sử dụng, vì không còn phù hợp với không gian hoặc đã quá cũ, xuống cấp. Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA), khi muốn đổi sang bàn thờ mới, việc đầu tiên gia chủ cần làm là khấn vái "xin phép" các chư thần cùng gia tiên, sau đó mới bắt đầu dọn dẹp các vật dụng thờ cúng trên bàn thờ và tiến hành loại bỏ những thứ cần thay mới.

Những thứ cần bỏ đi trên bàn thờ không được vứt tùy tiện. Tốt nhất, gia chủ nên phân loại, nếu vật nào có thể đốt thì hãy tiến hành hóa tro. Với đồ thờ bằng gỗ, không dùng nữa có thể hóa đi (đốt) hoặc thả ra sông, nhưng chú ý không làm bẩn môi trường nước. Đối với bàn thờ xây bằng gạch đá có thể phá đi, phế liệu đổ ra nơi thanh tịnh là được.

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 9
Thay bàn thờ gia tiên mới

Với các vật dụng bằng đồng muốn bỏ đi nhưng không được đốt, hoặc vứt, càng không được đập phá. Lúc này chỉ còn việc sử dụng lại vào một mục đích khác hoặc có thể thanh lý. 

Đối với các bức tượng khi muốn bỏ đi cũng tiến hành xử trí như vậy hoặc có thể mang lên chùa nhờ giải quyết hộ. Tủ thờ hay án gian thờ chức năng là giá đỡ có thể tận dụng hoặc thanh lý.

Chuyên gia phong thủy Mạnh Chiến cho biết, trước khi thay bàn thờ mới, gia chủ cần chọn ngày giờ phù hợp với tuổi, tránh những ngày xấu, chuẩn bị dâng lễ gồm hoa quả, đèn nhang nơi bàn thờ cũ rồi thành tâm xin được di chuyển linh vị các vị thần linh và hương kinh gia tiên từ nơi các đồ cũ sang đồ mới, thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn bàn thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Sau đó rút vài chân hương từ bát hương cũ đem sang bát hương mới, cây đèn cầy (nến) từ chân đèn cũ sang mới.

Bàn thờ mới cũng bày biện đồ lễ như trên, sau khi thành tâm khấn vái an vị nơi bàn thờ mới rồi đem đồ vật cũ đi tiêu hủy mà không sợ phạm húy gì nữa. Lưu ý, tối kỵ rút chân hương rồi cầm bát hương đổ tro bừa bãi ra ngoài bởi như thế sẽ bị “tán tài”. Chân hương tỉa ra nên đốt, tro được thả xuống sông, hồ hoặc hòa nước bón cây, không nên đổ lung tung.

6. Những hình ảnh bàn thờ gia tiên đẹp ngày Tết

Sau đây, hãy cùng chúng tôi chiêm ngưỡng những hình ảnh bản thờ gia tiên ngày Tết theo phong tục Việt Nam. Những góc bàn thờ của mỗi nhà sẽ có những khuôn hình hoàn toàn khác nhau. Nhưng ở đấy, ta cảm nhận rõ sắc Xuân đang về, sự bình an và ấm cúng nơi gia đình.

Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 8
Bàn thờ gia tiên là nơi hội tụ những giá trị văn hóa thiêng liêng của người Việt
Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 9
Trong mỗi gia đình thường có bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà
Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 10
Bàn thờ gia tiên ngày Tết
Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 11
Phần lớn gia đình chọn mua bánh kẹo có màu đỏ, vàng tượng trưng cho hạnh phúc và giàu sang để bày lên bàn thờ gia tiên
Bàn thờ gia tiên ngày Tết - Nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của người Việt 14
Bàn thờ gia tiên ngày Tết được bày biện đẹp mắt

Không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén nhang lên bàn thờ gia tiên cùng sự thành tâm cũng thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu dành cho ông bà, tổ tiên; cầu mong gia đình sức khỏe, may mắn, mọi sự hanh thông. Những giá trị thiêng liêng ấy sẽ được các thế hệ sau nâng niu, giữ gìn và trường tồn cùng với sự phát triển của đất nước. Và một mùa Xuân mới tràn đầy hy vọng bắt đầu… 

Tổng hợp - Nguồn ảnh: Internet