Biến đổi khí hậu toàn cầu và những vấn đề pháp lý đặt ra

(VOH) - Tại Việt Nam, các quy định về thích ứng khí hậu biến đổi còn tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống, thiếu cụ thể chưa được thi hành trên thực tế.

Việc ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa sống còn và một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay là đánh giá diễn biến khí hậu, xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực, các ngành và các địa phương. 

Quan điểm trên được TS. Phạm Văn Võ – Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM chia sẻ tại Hội thảo “Biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra” diễn ra ngày 15/12.

Cũng theo TS Phạm Văn Võ, Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong công tác triển khai đánh giá giám sát biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các quy định về thích ứng khí hậu biến đổi còn tản mạn, nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống, thiếu cụ thể chưa được thi hành trên thực tế. Việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Biến đổi khí hậu

Toàn cảnh hội thảo

TS. Phan Thị Thành Dương, Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng, Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng trước tính chất ngày càng nghiêm trọng của vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay, việc ban hành và áp dụng thuế carbon – thuế đánh lên lượng khí CO2  phát thải của quá trình đốt cháy nguyên liệu hoá thạch là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích.

Khi đánh giá khả năng áp dụng của loại thuế này ở Việt Nam xét từ góc độ tương thích với thị trường carbon, việc “tổ chức và vận hành thị trường carbon” nhằm giảm phát thải khí nhà kính là hợp lý vì dễ nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp và xã hội hơn thuế carbon.

Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc áp dụng thuế carbon để khắc phục các hạn chế của thị trường carbon, đồng thời, phát huy vai trò của công cụ này trong việc giảm thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, TS. Đào Gia Phúc – Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế về So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM) đã đưa ra một số chính sách của các quốc gia trên thế giới về giảm phát thải và định giá carbon.

Từ kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của một số các quốc gia tiêu biểu trên thế giới, TS. Đào Gia Phúc nhận định điều kiện đặc thù về kinh tế - xã hội, pháp luật cũng như chiến lược quốc gia của Việt Nam tưởng xanh, nội dung của thuế carbon phải được cụ thể hóa trên nhiều phương diện: cơ sở thuế, thuế suất, ưu đãi thuế…

Từ đó, TS. Đào Gia Phúc cho rằng phương án ban hành thuế carbon trên cơ sở tích hợp vào thuế bảo vệ môi trường là có tính khả thi cao khi hai loại thuế này có sự tương thích và tạo sự dễ dàng trong công tác ban hành, quản lý.

Bình luận