Biến đổi khí hậu: “Đồng hồ đang điểm”

(VOH) - Chuyên gia khí hậu người Scotland Jim Skea đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhanh chóng hành động, khi thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 đã gần kề.

Giáo sư Jim Skea là thành viên của Ủy ban về biến đổi khí hậu ở Anh, đồng thời là chuyên gia uy tín tại IPCC - Cơ quan Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Ỗng cũng là chủ tịch Ủy ban Chuyển tiếp của chính phủ Scotland, với mục tiêu chính là quản lý và xem xét, nghiên cứu và đưa ra các phương pháp, cách thức sống xanh hơn, sạch hơn.

Ông cho biết các nhà khoa học đã bày tỏ rất rõ ràng ý kiến của mình, và không còn nhiều thời gian để chính phủ các nước hành động.

Ông nói “đồng hồ đang điểm tíc tắc” và lượng phát thải carbon cần phải được kéo giảm. Ông cũng cho rằng Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại thành phố Glasgow sắp tới là hội nghị quan trọng thứ hai sau Hội nghị Paris năm 2015, và là thời gian để các chính trị gia thực hiện lời hứa của mình đối với vấn đề cấp thiết này .

Biến đổi khí hậu: “Đồng hồ đang điểm”
Giáo sư Jim Skea tại một hội nghị khoa học. Ảnh: Imperial College London

Giáo sư Skea bày tỏ mức cắt giảm hiệu ứng nhà kính hiện tại không đáp ứng được mục tiêu giữ Trái đất nóng lên không quá 2 độ C, và càng không khả thi với tham vọng cao hơn là xuống dưới mức 1,5 độ C. Đây là những mục tiêu đã được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử về biến đổi khí hậu (COP) diễn ra tại Paris vào năm 2015.

Theo giáo sư Skea, để đạt được mục tiêu quan trọng này, lượng phát thải nhà kính cần được cắt giảm xuống một nửa vào năm 2030, và tiến tới bằng 0 hoàn toàn vào năm 2050.  

“Dự báo sẽ không có thêm thỏa thuận nào khác về biến đổi khí hậu được ký kết ở Glasgow. Giờ đây điều quan trọng hơn cần làm chính là tiến hành và hiện thực hóa những gì đã thống nhất ở thỏa thuận Paris năm 2015. Các quốc gia hãy thực hiện lời hứa của mình. Nếu chúng ta tiếp tục như hiện tại, những mục tiêu tại Paris sẽ trở nên ngoài tầm với, điều đó là chắc chắn”, ông Skea cho biết.

Theo Skea, việc cắt giảm lượng phát thải có nghĩa cả thế giới phải cắt giảm sử dụng những nguồn năng lượng hóa thạch và thay thế bằng những nguồn năng lượng khác hiệu quả hơn.

Ông cũng khẳng định, với tư cách là một thành viên của IPCC, ông sẽ thận trọng và không bình luận về các chính sách của từng chính phủ cụ thể đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông cũng đề xuất với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về những kịch bản cần có để giữ mức nóng lên toàn cầu đạt mục tiêu không quá 1,5 độ C.

“Với mục tiêu 'nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C', toàn thế giới sẽ không còn phát triển bất kỳ một mỏ dầu nào nữa. Còn nếu linh hoạt hơn với mục tiêu ‘nhiệt độ tăng không quá 2 độ C’ thì một số mỏ dầu mới vẫn được phép xuất hiện, tuy nhiên điều tốt hơn cả là chúng nên nằm im và không được khai thác”, giáo sư Skea nói.

Biến đổi khí hậu: “Đồng hồ đang điểm”
Lượng phát thải carbon từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch được cho rằng vẫn còn cao và không đạt mục tiêu như kỳ vọng. Ảnh: BBC

Một nguồn năng lượng gây tranh cãi khác là năng lượng hạt nhân.

Với năng lượng hạt nhân, lượng phát thải carbon có thể thấp tuy nhiên lại sinh ra chất thải phóng xạ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Giáo sư Jim Skea cho rằng, các quốc gia khác nhau sẽ có các quan điểm khác nhau về sức mạnh của năng lượng hạt nhân, chẳng hạn như hầu hết các nước châu Âu đều từ chối nhưng Trung Quốc thì lại đang đầu tư mạnh vào việc phát triển nguồn năng lượng này.

Biến đổi khí hậu: “Đồng hồ đang điểm”
Một nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc. Ảnh: NS Energy Business

Tuy nhiên, cần phải cân nhắc và đánh giá những phương án đưa ra một cách nghiêm túc và hợp lý bởi không có giải pháp hoàn hảo nào để tạo ra năng lượng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của toàn thế giới mà không để lại tổn thất. Những nỗ lực làm giảm mức tiêu thụ năng lượng luôn đi kèm với rủi ro.

Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra sau các vụ tai nạn xảy ra ở Chernobyl (1986) và Fukushima (2011), chúng ta cần nghiêm túc xem xét những đổi mới cơ bản trong thiết kế và vận hành ở các nhà máy điện hạt nhân thay vì cố gắng kìm hãm sự phát triển của nguồn năng lượng này.

“Chí ít thì, những nước chọn hạt nhân để thay thế cho than đá thì đó cũng là lựa chọn có ích đối với vấn đề biến đổi khí hậu”, giáo sư Skea nhận định.

Bình luận