Cần tháo gỡ rào cản cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học

(VOH) - Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học - công nghệ, cần phải có những đột phá về cơ chế tài chính.

Tại Hội nghị góp ý “Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025” do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức vào sáng 28/9, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan, ban ngành cần tháo gỡ rào cản cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học - công nghệ.

khoa học, nghiên cứu khoa học
Hội nghị thu hút sự tham gia của lãnh đạo sở, ngành, trường đại học

Theo dự thảo Kế hoạch, Thành phố đặt mục tiêu đưa Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 5 hệ sinh thái dẫn đầu cả nước; đảm bảo chi cho khoa học và công nghệ đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách của thành phố; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP trở lên.

Góp ý về vấn đề phát triển các tổ chức khoa học - công nghệ thành chủ thể nghiên cứu mạnh, theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chiến lược phát triển về khoa học - công nghệ trong thời gian tới cần phải có những đột phá về cơ chế tài chính, sự phối hợp đồng bộ các bên liên quan đến vấn đề này.

“Hiện nay, Viện đã trình Ủy ban nhân dân thành phố và đang lấy ý kiến các sở, ngành, với mong muốn Viện sẽ trở thành đầu mối để triển khai các chính sách mang tính chiến lược của TPHCM, của cả vùng. Để làm được điều đó, không chỉ là câu chuyện nhân lực của Viện, nó còn là Hub để liên kết với các nhóm nghiên cứu mạnh trong và ngoài nước. Nếu làm như vậy, lại vướng đến cơ chế tài chính và với cách thức như hiện nay thì chúng tôi rất khó để triển khai việc này” – ông An nêu ý kiến.

Phó giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Thanh Công, Phó trưởng ban Khoa học và Công nghệ - Đại học Quốc gia TPHCM cũng bày tỏ: “Về giải pháp theo tôi cần có các cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố, liên quan đến cơ chế về tài chính đúng quy định nhưng thông thoáng hơn trong các vấn đề giải ngân, như thế sẽ kiến tạo và thúc đẩy các hoạt động khoa học - công nghệ, đồng thời quản lý được rủi ro khi mình triển khai các nhiệm vụ khoa học - công nghệ có tầm vóc, có sản phẩm, có tính chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ”.

Ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho hay, đây cũng là cơ sở để Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo “Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025” và tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.