TPHCM: 45 dự án của học sinh tranh tài tại vòng chung kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật

(VOH) - Sáng nay (25/1), vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp thành phố năm học 2021-2022 đã diễn ra với sự góp mặt của 45 dự án.

Mặc dù năm học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh vô cùng phức tạp, việc dạy học hoàn toàn diễn ra trên Internet, nhưng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, học sinh thành phố đã vượt khó, tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cho nhiều lĩnh vực cuộc sống.

Thống kê cho thấy số dự án tham gia cuộc thi năm nay nhiều hơn năm học trước, với tổng số 887 dự án từ 222 đơn vị trường học.   

Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến các chủ đề nghiên cứu, khi có đến 88 dự án của học sinh nêu các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 như: dự án giải pháp công nghệ phát hiện kịp thời bệnh nhân Covid-19 trở nặng, Robot hỗ trợ chuyển hàng tránh tiếp xúc... Ngoài ra, có 411/887 dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi. 

nghiên cứu khoa học
Dự án "Itutor TDN - Ứng dụng trung tâm trợ lý học tập trực tuyến" của học sinh lớp 8A3, Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa 

Em Vũ Minh Khang, lớp 8A3, Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa tham gia cuộc thi với dự án Trung tâm trợ lý học tập trực tuyến, cung cấp ứng dụng nhắc nhở thời khoá biểu, khuyến khích học sinh tự giác học tập chia sẻ: "Do dịch Covid-19, lớp em đã thiết lập một nhóm học tập, qua đó, em học hỏi được nhiều điều như chủ động hơn trong việc hoàn thành bài tập đúng hạn, biết thiết lập thời khoá biểu để làm được nhiều việc trong ngày. Việc tham gia nghiên cứu khoa học sẽ không tôn nhiều thời gian của bạn học sinh, lại giúp cho bạn hiểu thêm về thực tế cuộc sống. Chẳng hạn như phần mềm của nhóm em nghiên cứu vấn đề học sinh có nhiều bài tập nhưng phụ huynh chưa kiểm soát được".

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, học sinh Thành phố cần tri ân, ghi nhớ nỗi đau, sự mất mát vừa qua do đại dịch Covid-19. Từ đó, có quyết tâm lớn cho sự phát triển, trưởng thành.

Các em là những hạt giống nảy mầm trong điều kiện dịch bệnh, khó khăn, cần sự tiếp tục chăm sóc. Dù được giải hay không, các em vẫn là những người chiến thắng trong kỳ thi này, nhất là trong bối cảnh học tập qua internet, tự học, tự nghiên cứu là chính.

Ông Lê Duy Tân mong các bạn thí sinh sẽ là những người tiên phong bước đi với một trách nhiệm đã được chuyển giao: "Bất cứ đại dịch nào cũng sẵn sàng vùi lấp những người thiếu trí tuệ, kiến thức, những quốc gia yếu, thiếu tiềm lực. Ai sẽ là người làm được điều đó? Tôi, quý thầy cô, các em học sinh hay những thế hệ phía sau của chúng ta... phải nghĩ về điều này. Trong bối cảnh như vậy, Thành phố vượt qua được, không chỉ là tự hào mà cần phải biến nó thành một quyết tâm lớn".